Sáng 11/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo kết quả giám sát chuyên đề việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Đại diện Đoàn giám sát của Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết trong ba năm chống dịch, nguồn lực huy động từ ngân sách là 189.400 tỷ đồng. Trong đó lớn nhất là năm 2021, thời điểm dịch bùng phát mạnh nhất, ngân sách đã bố trí hơn 90.000 tỷ đồng.
Đoàn giám sát nhận thấy nhu cầu mua sắm thuốc, hóa chất, sinh phẩm, trang thiết bị y tế; xây dựng, sửa chữa cơ sở vật chất làm nơi điều trị và khu cách ly rất lớn. Trong khi đó, chủ trương của Chính phủ và hỗ trợ từ nguồn ngân sách trung ương để hoàn lại phần do ngân sách địa phương bảo đảm các khoản kinh phí nói trên vẫn chậm hoặc chưa hỗ trợ.
Quá trình chống dịch còn xảy ra nhiều sai phạm trong đấu thầu, mua sắm, vay, mượn kit xét nghiệm, đã được cơ quan điều tra phát hiện, xử lý, gây thất thoát lớn nguồn lực cho phòng, chống dịch Covid-19 và bức xúc trong nhân dân.
"Đoàn giám sát cũng nhận thấy một số sai phạm trong thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh từ nguồn ngân sách như chi trùng; quyết toán một số khoản chi chưa phù hợp, một số đơn vị chi sai quy định", bà Thúy Anh nói.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng đây là chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội với phạm vi rộng và tầm quan trọng lớn. Tuy nhiên, báo cáo chưa đưa ra hạn chế, yếu kém để có biện pháp khắc phục.
Đối với phần vi phạm được nêu trong báo cáo, ông Huệ cho rằng công tác phòng chống dịch có hai sai phạm rất lớn là vụ chuyến bay giải cứu và vụ kit xét nghiệm Việt Á. Cả hai vụ nằm trong phạm vi của cuộc giám sát vì đều là "huy động và sử dụng nguồn lực cho phòng, chống dịch Covid-19".
"Báo cáo không nhắc gì đến hai việc này. Dự thảo nghị quyết về giám sát cũng không nói gì. Là đại biểu Quốc hội tôi đọc thế này không biết là thế nào", Chủ tịch Quốc hội nói, đề nghị đoàn giám sát nêu cụ thể vấn đề này trong báo cáo.
Ngoài nguồn ngân sách nhà nước, ông Huệ cho rằng đoàn giám sát cần làm rõ hiện trạng thanh quyết toán các nguồn viện trợ vaccine, sinh phẩm y tế, huy động xã hội hóa. Trong đó, đoàn phải làm rõ số tiền chưa được thanh quyết toán, chưa được chi trả, có thất thoát, sai phạm gì không? Việc quản lý, sử dụng nguồn lực cụ thể cho phòng, chống dịch ra sao? Lượng vaccine thừa, quá hạn cụ thể là bao nhiêu?
Chủ tịch Quốc hội yêu cầu làm rõ việc số vaccine này có thể tiếp tục sử dụng hay không khi dịch Covid-19 có dấu hiệu quay trở lại. "Báo cáo cần đánh giá kỹ lưỡng, cung cấp số liệu cụ thể để làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan", ông Huệ nói.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh cũng băn khoăn khi chuyến bay giải cứu và vụ kit xét nghiệm Việt Á là hai vụ nổi cộm, nhưng chưa được làm rõ trong báo cáo.
"Hơn 110 trang báo cáo giám sát đầy đủ với hơn 400 chú thích thì chỉ thấy ba dòng nói về vụ án kit test Việt Á", ông Thanh nói, đề nghị đoàn giám sát bổ sung, đảm bảo liều lượng phù hợp với sự quan tâm của đại biểu và cử tri.
Dịch Covid-19 xuất hiện cuối tháng 12/2019 và bùng phát mạnh với sự xuất hiện nhiều biến chủng, lây lan nhanh đến hầu hết quốc gia, vùng lãnh thổ. Tại Việt Nam, sau bốn đợt bùng phát, đến ngày 31/12/2022 cả nước ghi nhận 11,5 triệu ca mắc, tỷ lệ tử vong là 0,4%.
Giai đoạn 2020-2022, Việt Nam đã huy động 236.400 tỷ đồng phục vụ phòng, chống dịch Covid-19, trong đó từ ngân sách Nhà nước hơn 189.400 tỷ đồng. Nguồn lực huy động từ nguồn khác khoảng 47.000 tỷ đồng, trong đó viện trợ nước ngoài là 14.800 tỷ đồng; còn lại là quỹ vaccine Trung ương, địa phương và các nguồn viện trợ khác.
Đoàn giám sát kiến nghị sửa đổi Pháp lệnh về tình trạng khẩn cấp hoặc ban hành Luật Tình trạng khẩn cấp, trong đó quy định rõ thẩm quyền Chính phủ, cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương trong xử lý các tình huống khẩn cấp khi xảy ra dịch bệnh, thiên tai.
Luật cần quy định rõ vai trò, trách nhiệm, thẩm quyền huy động nguồn lực trong tình huống khẩn cấp làm căn cứ pháp lý thực hiện vấn đề phát sinh trong tương lai; xây dựng kịch bản tổng thể ứng phó đối với các tình huống khẩn cấp để có thể kích hoạt, thực hiện ngay một cách thống nhất trong toàn quốc.
Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng dù không tuyên bố tình trạng khẩn cấp khi Covid-19 bùng phát, nhưng thực tế Việt Nam đã áp dụng toàn bộ các biện pháp trong tình trạng khẩn cấp, nên "không có khoảng trống pháp lý". Nguyên nhân của những tồn tại có thể là do nhận thức không thống nhất, nhất là khi giải quyết hậu quả về thanh quyết toán các nguồn lực. "Cần tránh tình trạng làm không được thì đổ cho hệ thống pháp luật", Phó chủ tịch Quốc hội nói.