Theo đó, nhiệm kỳ vừa qua có sự thay đổi về nhân sự Chủ tịch nước khi Chủ tịch nước Trần Đại Quang từ trần, Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh giữ Quyền chủ tịch nước từ ngày 23/9 đến ngày 23/10/2018. Ngày 23/10/2018, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV đã bầu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giữ chức Chủ tịch nước.
"Mặc dù nhiệm kỳ có sự thay đổi về nhân sự Chủ tịch nước và đặc biệt, từ cuối năm 2018, với trọng trách Tổng Bí thư đồng thời là Chủ tịch nước, trong mọi thời điểm, Chủ tịch nước đều nỗ lực thực hiện đầy đủ và có hiệu quả nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước, Quốc hội và nhân dân", báo cáo nêu.
Về công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, Nhà nước pháp quyền, báo cáo đánh giá Chủ tịch nước kiên quyết, kiên trì, quyết tâm đấu tranh phòng chống tham nhũng. Chủ tịch nước "luôn phấn đấu thể hiện trách nhiệm, toàn tâm, toàn ý phụng sự Tổ quốc...".
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, công tác phòng, chống tham nhũng được triển khai quyết liệt, đồng bộ, toàn diện, bài bản, có hiệu quả. Vì vậy, tham nhũng, tiêu cực từng bước được kiềm chế. Nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế phức tạp được phát hiện, điều tra, khởi tố, truy tố, xét xử.
Báo cáo cũng chỉ ra những hạn chế trong nhiệm kỳ Chủ tịch nước vừa qua như việc chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ cải cách tư pháp còn chậm. Chủ tịch nước ký quyết định ký kết các điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước về ODA "mang tính hình thức vì không quản lý trực tiếp, ít nắm được cụ thể tình hình quản lý, sử dụng vốn vay, khả năng trả nợ, hiệu quả sử dụng nguồn vốn ODA". Do ảnh hưởng Covid-19, nhiều hoạt động trong chương trình đối ngoại của Chủ tịch nước, Phó chủ tịch nước phải tạm hoãn hoặc chuyển sang thời điểm khác.
Một trong những nguyên nhân của hạn chế nêu trên là dù Chủ tịch nước, Phó chủ tịch nước đã làm việc với trách nhiệm cao nhất, nhưng "có mặt vẫn chưa đáp ứng được hết các yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao của thực tế tình hình đất nước, cũng như kỳ vọng của nhân dân và cử tri cả nước", báo cáo nêu.
Thời gian tới, Chủ tịch nước sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan thực hiện tốt kết luận của Bộ Chính trị về tổng kết 15 năm thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020; nghiên cứu trình Ban chấp hành Trung ương khóa 13 xem xét, ban hành Nghị quyết về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, trong đó có nội dung về cải cách tư pháp.
Chủ tịch nước tiếp tục tham gia chỉ đạo công tác đối ngoại, "đảm bảo trên hết và trước hết lợi ích quốc gia, dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi".
Nhiệm kỳ vừa qua, Chủ tịch nước đã ký lệnh công bố 72 luật, 2 pháp lệnh; ký quyết định thăng quân hàm cấp tướng đối với 400 sĩ quan quân đội; thăng cấp tướng đối với 174 sĩ quan công an; tước danh hiệu công an với 4 sĩ quan cấp tướng; giáng cấp bậc hàm với 2 sĩ quan cấp tướng...
Trên cương vị là nguyên thủ quốc gia, Chủ tịch nước đã dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Nhà nước đi thăm 19 quốc gia; đón tiếp, hội đàm với 26 đoàn nguyên thủ quốc gia thăm Việt Nam; dự 3 hội nghị quốc tế; chủ trì 11 hội nghị quốc tế lớn tổ chức tại Việt Nam (APEC 2017).
Về công tác quốc tịch, trong nhiệm kỳ 2016-2021, Chủ tịch nước đã quyết định cho 24.370 công dân được thôi quốc tịch Việt Nam, để nhập quốc tịch nước ngoài. Trong đó, 10.245 người nhập quốc tịch Đài Loan (Trung Quốc); 9.294 người nhập quốc tịch Đức; 1.418 người nhập quốc tịch Hàn Quốc...
Một số quốc gia, vùng lãnh thổ khác có nhiều người Việt Nam xin thôi quốc tịch để nhập quốc tịch mới là Singapore (884), Nhật Bản (734), HongKong (471), Nauy (450), Hà Lan (256), Áo (130), Lào (125), Mỹ (91)...
Ngoài ra, 85 trường hợp xin thôi quốc tịch nhưng vẫn ở trong nước, không chuyển ra nước ngoài cư trú.
Ngoài ra, 1.598 công dân nước ngoài và người không quốc tịch được Chủ tịch nước cho nhập, cho trở lại quốc tịch Việt Nam.
Theo quy định của Hiến pháp 2013, Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại.
Người đứng đầu Nhà nước có những nhiệm vụ và quyền hạn được Hiến pháp nêu rõ. Cụ thể như, công bố Hiến pháp, luật, pháp lệnh; đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Phó chủ tịch nước, Thủ tướng; căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó thủ tướng, Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ.
Chủ tịch nước cũng có thẩm quyền đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; quyết định đặc xá; căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội, công bố quyết định đại xá.