Nguyên liệu làm bánh rất chân chất như bột gạo, tôm tươi, thịt nạc xay nhuyễn cộng thêm chút hành phi... nhưng cách chế biến khá công phu.
Để có những miếng bánh trắng tinh khiết như cánh hoa đòi hỏi sự khéo léo từ khâu lọc gạo cho đến vân bánh. Loại gạo được chọn để làm bánh phải là gạo tinh túy nhất, dẻo, đượm mùi lúa mới. Để bột bánh ngon, gạo xay xong cần lọc nhiều lần qua nước, màu trắng của bánh được tạo nên rất "thủ công" nên tốn nhiều thời gian.
Sau công đoạn nhồi kỹ cho mềm, quánh, bột sẽ được những bàn tay khéo léo vun vén thành những thuôn dài, xoay xoay vài vòng để tạo thành một miếng bột nhỏ xíu, mỏng tang. Từ miếng bột đó vê nhẹ theo vòng tròn cho nong rộng dần ra, thành vỏ bánh mỏng, hệt cánh hồng bạch xinh xắn.
Nhân bánh gồm tôm, thịt heo nạc, nấm mèo, giá và một ít hành lá, tất cả được thái mỏng, xào lên cùng gia vị thật vừa miệng. Bánh vạc thường được bỏ chút nhân tôm quết nhuyễn vào giữa, vuốt nhẹ một đầu như hình quai vạc.
Cái tên dân gian xuất phát từ hình dáng chiếc bánh đặc trưng như thế. Đến khi những người khách Tây lần đầu tên nhìn thấy đĩa bánh đã không kiềm được thốt lên "White rose". Bánh vạc "chết" cái tên Hoa hồng trắng từ đó.
Cũng chẳng quá lời khi giành lời ngợi khen có cánh như thế cho những chiếc bánh duyên dáng, tinh tế. Cứ nhìn cách một đôi bạn trẻ trời Tây bước vào quán, gọi đĩa bánh vạc rồi cứ thế say sưa ngắm nhìn, chụp ảnh, mân mê miếng bánh, "thương hoa tiếc ngọc" không nỡ ăn "cánh hồng" mới hiểu cảm tình sâu đậm của họ giành cho thức quà của đất trời, của những bàn tay thơm thảo.
Hội An níu kéo chân du khách bởi cảnh vật, tình người và không thể thiếu những thức quà dân dã như thế. Không chỉ dừng lại ở miếng ăn "lót dạ khi đói lòng", đó là cả phong vị ẩm thực, một chút vấn chút vương khi nhớ về những cánh hoa hồng trong veo.
Sau khi nặn xong, nâng niu xếp những "cánh hồng bạch "vào nồi hấp cách thủy, chưng mười lăm phút là bánh vừa chín tới. Bày biện bánh ra đĩa, trải một lớp hành phi vàng, một muỗng dầu phụng thơm nồng lên trên bề mặt cho thêm phần hấp dẫn. Còn chần chừ gì mà không thưởng thức đĩa bánh mới ra lò cùng chén nước mắm "đúng điệu" chút chua, cay, nồng đặc trưng xứ biển.
Ghé phố cổ vào những ngày này, đi dọc các nhà hàng ven sông Hoài, đều thấy bánh vạc tràn ngập trong các menu, trở thành món "đinh" của không ít quán tên tuổi. Không "ăn điểm" ở sự mặn mà hay quá đặc sắc, bánh vạc chinh phục thực khách bởi nét tinh tế và đầy chất duyên dáng của một món ăn bình dân. Hễ đã ngắm, đã thưởng thức bánh vạc một lần là không thể nguôi nhung nhớ.
Khánh Ly