Món bánh ngọt nguyên vẹn ở Nam Cực sau một thế kỷ. Ảnh: Antarctic Heritage Trust. |
Các chuyên gia bảo tồn thuộc tổ chức Antarctic Heritage Trust ở New Zealand tìm thấy chiếc bánh tráng miệng 100 năm tuổi trong công trình lâu đời nhất ở Nam Cực, một căn lều ở bán đảo Cape Adare, National Geographic hôm 10/8 đưa tin. Nhà thám hiểm người Anh Robert Falcon Scott mang theo món ăn do công ty bánh bích quy Huntley & Palmers sản xuất trong chuyến thám hiểm năm 1910 - 1913 trên tàu Terra Nova.
Nằm giữa lớp giấy bọc bên trong một chiếc lon, món bánh ngọt nhân quả được bảo quản trong điều kiện hoàn hảo. Món bánh vẫn giữ nguyên hình dạng cũng như mùi thơm, và gần như có thể ăn được.
Đoàn thám hiểm của Scott trú trong căn lều ở bán đảo Cape Adare do nhà thám hiểm người Na Uy Carsten Borchgrevink và cộng sự dựng lên năm 1899. Họ bỏ quên món bánh khi rời đi. Scott và đoàn thủy thủ 4 người tới Cực nam năm 1912, nhưng cả 5 người chết trên đường trở về lều Terra Nova ở mũi Evans.
"Bánh ngọt nhân hoa quả là món ăn phổ biến trong xã hội Anh ở thời điểm đó, và vẫn được yêu thích tới tận ngày nay. Sinh sống và làm việc ở Nam Cực thường dẫn tới cảm giác thèm món ăn nhiều đường có độ béo cao và bánh ngọt nhân hoa quả là lựa chọn rất phù hợp để đi kèm với một tách trà", Lizzie Meek, quản lý bảo tồn đồ tạo tác của Antarctic Heritage Trust, chia sẻ.
Các chuyên gia bảo tồn khôi phục lại lều Terra Nova dài 15 mét, căn lều lớn nhất ở Nam Cực, cùng một số lều gỗ di động khác như lúc chúng được dựng cách đây một thế kỷ. Theo Gordon Macdonald, trưởng nhóm bảo tồn, những căn lều sẽ giúp kể lại câu chuyện về hành trình thám hiểm Nam Cực, truyền cảm hứng cho thế hệ tương lai.
Phương Hoa