Bánh mì Hội An nhỏ bằng 3 ngón tay, dài chừng 20 cm và 2 đầu nhọn. Bánh có màu vàng óng và được nướng giòn trước khi cho nhân. Vì thế, thân bánh dày và giòn, còn ruột bánh thì đặc, không có nhiều bột nở. Khi cắn bạn có thể cảm nhận độ giòn của vỏ bánh và độ mềm của ruột.
Nhân bánh được chủ quán tạo vị riêng biệt qua phần nước sốt màu nâu và hơi sền sệt. Một vài lát thịt quay bỏ vào nhân là loại thịt nạc mông hoặc vai được thái thành miếng nhỏ để gia vị tẩm ướp ngấm vào bên trong từng thớ thịt, cũng là để khi quay miếng thịt chín mềm bên trong nhưng bên ngoài không quá cháy.
Một chút pate do gia chủ tự làm không quá nhuyễn tạo vị hài hòa trong nhân bánh. Cộng thêm vào đó là một vài lát lạp sườn, khi ăn có cảm giác như được làm bằng thịt viên băm chứ không như lạp suờn ở nhiều nơi khác. Dưa chuột thái mỏng, vài cọng rau mùi, thêm một chút cay của ớt Hội An, thơm của tiêu đen, tất cả nằm gọn gàng trong một chiếc bánh nhỏ, rất vừa miệng.
Vào sáng mùa hè đi dạo trên phố, khách tham quan cảm thấy yên bình bởi thành phố không một tiếng động cơ xe máy, không tiếng ồn ào của chợ búa, chỉ có tiếng nhạc phát ra từ đài phát thanh công cộng và thỉnh thoảng tai bạn sẽ bắt gặp một tiếng “Phớ đi”.
Tào phớ Hội An cũng là một món được nhiều người thích thú, được làm từ đậu nành có màu trắng đục cộng thêm một chút nước gừng cay cay ngọt ngọt vừa đủ, một chút mùi thơm dễ chịu, kích thích vị giác thực khách. Một vài miếng thạch màu trắng, đen được điểm thêm vào bát vừa trang trí, vừa làm tăng đồ giòn cứng, giảm độ mềm của bát tào phớ, một chút đá mát làm giảm ngay cơn nóng và khát của phố cổ Hội An lúc nửa buổi.
Cái cảm giác đó cứ theo chân du khách đi hết Việt Nam rồi khi về nước cũng không thể nào quyên hương vị đó
Bài và ảnh: John Ta