Điểm lạ của món ăn là màu vỏ bánh, được tạo màu từ bầu mực và tinh than tre. Khi nướng lên, lớp vỏ vẫn có độ giòn. Chả được làm từ mực mai giã tay, chiên nóng, cắt thành từng miếng nhỏ và rưới nước sốt rau củ.
Nước sốt của bánh mì nhân hải sản có vị chua, được làm từ các loại rau củ như hành tây, cà chua, cà rốt, kinh giới... cùng đầu tôm ninh trong một tiếng rồi xay nhuyễn.
Nguồn gốc ra đời của chiếc bánh mì đen như than này được truyền cảm hứng từ đất mỏ Quảng Ninh. Cách đây một năm, nhóm bạn gồm Khắc Tuấn, Nguyễn Quyết và Phạm Tuyến muốn tạo ra một sản phẩm mang đặc trưng quê hương vùng mỏ.
"Ban đầu, chúng tôi nghĩ đến những chiếc bánh mì lót dạ giữa ca làm của công nhân mỏ than và mong muốn đưa đặc sản chả mực đến gần hơn với khách du lịch. Do đó, bánh mì màu đen ra đời", anh Tuấn nói.
Bánh mì truyền thống dùng nước trắng trộn bột. Bánh mì đen như than dùng bầu mực. Ban đầu, mọi người phải ra chợ, mua tất cả loại mực đang bán, vì mỗi loại mực sẽ cho màu đen khác nhau. Do vậy, nhóm của anh phải thử nhiều lần để có thể ra loại bánh mì đạt chuẩn, không có mùi mực. Cửa hàng cũng phải bỏ đi nhiều mẻ bánh, với những chiếc bánh mì không ưng ý như lúc đặc ruột, lúc to quá, lúc cứng quá khi lại mềm quá...
Sau khoảng hơn 20 lần trộn bột, 4 lần đưa sản phẩm cho bạn bè và những chuyên gia ẩm thực đánh giá, nhóm anh Tuấn cuối cùng có được chiếc bánh mì hoàn thiện như hiện tại.
Hiện mỗi ngày quán bán được 300 - 700 ổ bánh. Ngoài nhân chả mực Hạ Long, quán còn có nhân chả cua bể, tôm xíu mại, bò phô mai, gà nướng BBQ, heo quay. Bánh có giá từ 25.000 - 45.000 đồng, trong đó nhân chả mực là bánh có giá cao nhất.
Nhiều thực khách hiếu kỳ, tìm đến quán vì vỏ bánh lạ. "Sốt bánh mì khá ngon, vỏ bánh nướng giòn tan đúng ý mình. Rau dưa và nhân đầy đủ khá đầy đặn, ăn một bánh là no rồi nên phù hợp để ăn sáng cuối tuần. Tuy nhiên, giá hơi cao so với mặt bằng chung", Phương Thảo, một thực khách, cho biết.
Bảo Ngân