Không ai biết bánh ép có xuất xứ từ đâu nhưng vài năm trở lại đây khi đến Huế, du khách dễ dàng bắt gặp các quán bán món này. Đây là thức quà thích hợp lót dạ vào buổi chiều tối hay ăn khuya.
Thoạt nhìn bạn sẽ thấy món này giống bánh tráng nướng nhưng mùi vị và cách chế biến rất khác nhau với nhiều hương vị. Đi qua các quán bánh bạn sẽ cảm nhận mùi thơm nức, níu chân khách.
Thành phần của bánh ép là bột lọc, nhân gồm trứng, thịt, hành lá, dưa góp chua ngọt và nhiều nguyên liệu khác tùy thuộc vào sự biến tấu của mỗi quán. Để làm bánh ép mất nhiều công đoạn. Gạo sau khi ngâm được xay mịn, vắt kiệt nước rồi tán thành những miếng vuông hay tròn tùy sở thích. Thịt nạc được băm nhỏ, thêm gia vị cho vừa miệng, trứng gà ta được quấy đều cùng một chút hành, rau mùi.
Sau khi đặt khuôn bánh trên bếp than ở nhiệt độ thích hợp, người chế biến sẽ đặt một viên bột lọc ép chặt xuống cho đến khi cán thành lớp mỏng. Nhân thịt được đặt lên phía trên, thêm một lớp trứng mỏng rồi tiếp tục ép xuống. Nhiệt độ nóng từ khuôn sẽ khiến bánh chín đều, dậy mùi thơm và giòn rụm. Có lẽ chính bởi công đoạn làm bánh mà món có gọi tên là bánh ép.
Bánh được ăn khi còn nóng hổi mới ngon, kèm với dưa chuột thái mỏng, rau răm. Khi ăn, bạn sẽ cuốn bánh lại cùng các loại rau, chấm cùng nước chấm pha chua ngọt mới đúng điệu.
Người Huế thường pha nước chấm rất cay. Khi ăn vị giòn rụm của bánh, đậm đà của thịt, trứng, cay của ớt, chua ngọt của nước chấm hòa quyện rất hấp dẫn, ăn không ngán.
Du khách đến Huế khi đi ngang đường Bà Triệu, Lê Quý Đôn hay Hồ Xuân Hương nhớ ghé quán bánh ép, giá khoảng 5.000 đồng một chiếc. Không khí ồn ào của các quán ăn vỉa hè sẽ giúp bạn cảm nhận một góc Huế không hề trầm tư.
Anh Phương