Sau những được mất của biến chuyển cuộc sống thì thời gian là thứ còn lại để mỗi chúng ta ngẫm nghĩ, chiêm nghiệm, học tập và làm mới mình. Bạn chọn cách nào để thêm gia vị vào cuộc sống? Riêng mình thì chọn việc vào bếp. Vì dịch bệnh kéo dài khiến tài chính hao hụt, tinh thần trì trệ nên mình cho là việc tạo khẩu vị mới mẻ và tiết kiệm là cách hay nhất để gắn kết yêu thương, nâng cao sức khoẻ cho gia đình.
Mình muốn giới thiệu đến các bạn món bánh đúc nóng. Món ăn dân dã mà hầu như vùng miền nào cũng cảm thấy quen thuộc. Thật là thất lễ với tiền bối nếu như gọi mình là người chia sẻ công thức, nhưng không, mình chỉ là kẻ sao chép, là người mang tâm sự mình vào chén bánh như thay lời muốn nói thôi.
Nhìn kỹ sẽ thấy bánh đúc không cần thêm một gia vị hay thực phẩm nào đi kèm mới làm ra được. Nó được làm nên duy nhất bằng bột gạo và bột năng. Từ đây liên hệ cuộc sống, nếu ví chúng ta như là chén bánh đúc thì hoàn cảnh và điều kiện sẽ là thịt băm trộn mộc nhĩ, hành phi, đậu phộng rang và nước mắm. Có điệu kiện thì món bánh có thêm thịt băm trộn mộc nhĩ, bình thường chỉ cần đậu phộng, nước mắm thôi, còn kém hơn chỉ cần bánh đúc nước mắm cũng đủ làm ưng vị đầu lưỡi rồi.
Vậy mới thấy người giỏi thích ứng thì hoàn cảnh nào cũng là cơ hội và nơi nào cũng để ở. Vốn dĩ người giàu có hay nghèo hèn thì hạnh phúc và an lạc mới con đường họ luôn tìm kiếm. Nhưng con đường ấy ở đâu? Bản thân thiết nghĩ đó chính là cách lựa chọn thái độ sống vừa biết hưởng thụ, vừa biết tự tiết chế, cũng vừa biết chấp nhận. Dư giả thì ăn sung mặc sướng, khắc khổ chút thì chấp nhận để cái miệng nó nhạt hơn, vậy mà biết đâu cơ thể được thanh lọc giảm cholesterol, mỡ gan, mỡ máu... Và sẽ rất lợi ích nếu bạn vừa ăn bánh đúc vừa nghiệm lại lời dạy của ông bà xưa: "nước cạn thì nhón gót, nước sâu thì vén áo" để biết sống bằng lòng, bớt đi lo lắng và ngột ngạt!
Với món bánh đúc nóng dân dã rất dễ làm, ít tốn kém, có thể giúp gia đình bạn vừa ăn ngon miệng vừa đạt được mục tiêu đủ dinh dưỡng và tiết kiệm chi tiêu. Vậy nên các bạn hãy thử làm cùng mình nhé!
Nguyên liệu:
- 150 gram bột gạo.
- 100 gram bột năng.
- 50 ml dầu ăn.
- 200 gram thịt heo.
- 25 ml dầu mè (không bắt buộc).
- 50 gram mộc nhĩ, nấm hương.
- Vài nhánh tỏi và hành khô.
- 1 mớ rau mùi rửa sạch, để ráo nước.
- Gia vị: nước mắm, đường, tiêu, giấm hoặc chanh...
- 50 gram hành khô phi thơm.
Cách làm:
Làm bánh đúc:
Bước 1: Bạn cho bột gạo tẻ, bột năng và 1 thìa café muối cùng 1 lít nước vào một chiếc nồi inox to, đế dày. Tiếp theo, bạn dùng phới lồng khuấy đều để bột tan hết. Sau đó, bạn lọc hỗn hợp qua rây để thu được hỗn hợp bột thật mịn.
Bước 2: Bạn bắc nồi bột này lên bếp rồi đun với lửa vừa phải. Trong khi đun, bạn nhớ dùng đũa khuấy đều liên tục để bột không bị bén. Sau khi đun khoảng 2 đến 3 phút thì hỗn hợp bắt đầu sệt lại, lúc này bạn cần vặn nhỏ lửa xuống mức thấp nhất.
Lưu ý: Khi bột càng đặc sệt lại thì bạn càng cần chú ý điều chỉnh lửa cho nhỏ nhất có thể. Nếu muốn bột được mịn thì bạn có thể sử dụng máy trộn bột hoặc phới lồng để đánh nhé.
Bước 3: Khi thấy hỗn hợp bột đặc sệt lại và ngả màu trắng đục thì bạn cho 1 thìa dầu mè cùng 2 thìa dầu ăn vào và khuấy đều.
Làm phần nhân:
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu.
Bạn bóc vỏ hành và tỏi, sau đó bằm nhuyễn.
Nấm hương và mộc nhĩ, bạn cho vào ngâm nước ấm cho nở, sau đó cắt bỏ phần chân nấm, rửa sạch và bằm nhỏ.
Thịt heo bạn rửa sạch rồi cho vào máy xay thịt và xay nhuyễn.
Bước 2: Xào nhân
Bạn cho dầu vào chảo, phi thơm hành và tỏi khô rồi cho thịt, nấm hương, mộc nhĩ vào đảo đều.
Khi thấy thịt săn lại, bạn nêm nếm gia vị cho vừa ăn rồi cho thêm 1 thìa tiêu cho dậy mùi thơm và tắt bếp.
Pha nước mắm chua ngọt:
Nước mắm chua ngọt có thể xem là "linh hồn" của món bánh đúc nóng. Vì thế, hãy thật ghi nhớ công thức pha nước mắm tuyệt ngon này bạn nhé.
Bạn pha giấm, nước và đường theo tỷ lệ 1:1:1. Bạn có thể nếm thử để cảm nhận và điều chỉnh sao cho phù hợp nhất với khẩu vị của mình. Tuy nhiên, nước chan bánh đúc này cần có độ chua chua, ngọt ngọt, khi ăn kèm bánh đúc sẽ vừa phải, cân bằng. Tiếp theo, bạn cho nước mắm vào và nếm thử lại để cân bằng giữa các vị chua, ngọt và mặn.