Ít ai giải thích được tại sao giữa cảnh sát và món bánh donut lại tồn tại mối liên hệ.
Theo Atlas Obscura, vào khoảng thập niên 195 việc lựa chọn về đồ ăn của cảnh sát làm ca đêm thường rất hạn chế do các cửa hàng ăn đều đóng cửa sớm vào buổi tối. Cảnh sát nếu đói có hai lựa chọn: quán ăn đêm hoặc cửa hàng donut. Nhiều người cho rằng cảnh sát thích lui tới cửa hàng donut hơn vì rẻ và rất tiện lợi, cung cấp đủ năng lượng cho cả ca đêm. Tốc độ phục vụ donut rất nhanh, gần như là có ngay, thay vì phải chờ đợi như ở hàng ăn đêm bình thường. Đặc điểm này phù hợp với công việc của cảnh sát vì đôi khi họ chỉ có một vài phút rảnh rỗi và có thể bị điều đi làm nhiệm vụ đột xuất.
Cửa hàng donut là một trong những nơi duy nhất có điều hòa mà cảnh sát có thể lui tới vào ban đêm, nhất là với người phải đi bộ đi tuần. Cảnh sát vẫn thích nơi có đèn sáng như cửa hàng donut để ngồi xử lý các loại giấy tờ, vốn là một phần lớn trong số công việc phải làm.
Ngoài ra, các cửa hàng bán donut còn chủ động đặt ra nhiều chính sách để "mời gọi" cảnh sát ghé qua mua đồ ăn. Một số cửa hàng nơi thị trấn nhỏ dành hẳn một dãy bàn cho cảnh sát ngồi làm việc. Trong cuốn hồi ký của mình, William Rosenberg, nhà sáng lập chuỗi cửa hàng Dunkin’ Donut, cho biết ông muốn bảo đảm chuỗi cửa hàng của mình "là nơi thân thiện với cảnh sát".
Cách làm của ông có hai mục đích: thứ nhất là để bảo đảm doanh số bán hàng nhờ vào số khách hàng quen, thứ hai là đảm bảo an ninh khi mở cửa giờ khuya. Sự có mặt thường xuyên của cảnh sát sẽ là lời cảnh cáo hiệu quả với kẻ có ý định cướp tài sản.
Mối quan hệ giữa cửa hàng donut và cảnh sát thân thiện tới mức vào năm 1964, tờ tạp chí chuyên ngành Police đã đưa ra lời khuyến cáo với cảnh sát: "Không được nhận quà như bánh donut và café. Hành động ấy sẽ tạo cảm giác có sự thiên vị". Ngày nay, đã có nhiều cửa hàng ăn mở cửa 24/24, nhưng cửa hàng donut vẫn còn được cảnh sát làm ca đêm khá ưa chuộng vẫn vì những lý do trên.
Từ Chiến tranh thế giới I, các cô gái hoạt động trong tổ chức từ thiện Cứu Thế Quân được phái tới nơi chiến tuyến để chăm sóc cho binh lính Mỹ khi đó đang đóng quân ở Pháp. Không có dụng cụ nấu ăn chuyên nghiệp, các cô gái (sau này được gọi bằng cái tên trìu mến "cô gái donut") quyết định làm bánh donut bằng tay để vực dậy tinh thần chiến sĩ. Bánh donut trở thành biểu trưng cho sự ấm áp giữa cái khắc nghiệt của chiến tranh trong lòng người lính Mỹ xa quê hương. Cũng từ đó, ngày thứ sáu đầu tiên của tháng 6 hằng năm được chọn làm Ngày Donut Mỹ.
Nhưng đôi khi bánh donut lại được sử dụng như một biểu tượng để giễu cợt cảnh sát khi người dân không đồng tình với cách hành xử. Chẳng hạn như trong cuộc biểu tình Chiếm Phố Wall năm 2011, nhiều người biểu tình đã buộc bánh donut vào cần câu và treo lủng lẳng trước mặt cảnh sát đang làm nhiệm vụ.