Bánh chuối chiên ngã tư Hàng Điếu (Hoàn Kiếm) là một trong những món ăn vặt xế chiều quen thuộc của nhiều người dân thủ đô. Những chiếc bánh mới bốc hơi nghi ngút, vỏ vàng ruộm, cắn một miếng giòn rụm, hài hòa cùng vị ngọt của chuối chín làm thỏa mãn vị giác thực khách giữa trời đông.
Để làm nên lớp vỏ mỏng, giòn, chủ quán là ông Đỗ Văn Thành phải sử dụng 7 thứ bột khác nhau, không cho bột nở và rán hoàn toàn bằng mỡ gà. Chuối trong bánh là loại chuối tây nhỏ tới độ chín dừ hay còn gọi là chuối mã mật, có nếp nhăn, vỏ ngoài lốm đốm đen, ấn vào mềm mềm.
Chuối mã mật ngon nhưng khó chiên hơn. Thay vì thái lát mỏng, chủ quán dùng cán gỗ ép chuối theo chiều dọc. Đôi bàn tay thoăn thoắt, hành động dứt khoát tạo thành miếng chuối mỏng dẹt. Cách làm này giúp chuối chín đều, bánh sau khi chiên chảy nhựa ngọt đượm ngon hơn và không bị chát.
Gánh bánh chuối được bán từ năm 1993. Món bánh khi ấy vỏn vẹn 500, 1.000 đồng mỗi cái, người ăn thấy ngon, rẻ rồi dần đông lên. Gánh hàng trở thành kế sinh nhai cho 2 vợ chồng ông Thành. Ngoài bánh chuối, ở đây còn có bánh khoai. Bột và khoai được xếp thành hình bát giác, ở giữa là miếng chuối để bánh thêm vị ngọt tự nhiên, rắc thêm vừng bùi miệng.
Mỗi ngày, chủ quán đều làm bột từ 7h sáng, đến chiều dọn hàng bán. Nguyên liệu như chuối mã mật, gạo tẻ Hưng Yên thường được đặt tận gốc vì chất lượng tốt và giá phải chăng.
Khi lấy bánh cho khách, chủ quán không quên dặn nên ăn bánh khoai trước bánh chuối, vì nếu ăn ngược lại sẽ nhạt, ngấy. Khách nào ngỏ ý muốn ăn bánh nóng khi vừa vớt khỏi chảo, chủ quán cũng xua tay vì bánh nóng ăn hại răng. Bánh ăn nóng vừa, khi nhân đã mềm, chiết nhựa thì chuối ngọt hơn và vỏ bánh giòn hơn.
Điểm trừ của quán là chỗ ngồi chật và ít chỗ đỗ xe. Chủ quán có thể lớn tiếng nếu khách giục hoặc đỗ xe bừa bãi. Quán mở từ 14h đến 21h30 mỗi ngày, khách đến lúc 17h sẽ phải xếp hàng chờ lâu hơn so với khung 15h hoặc 20h trở đi. Giá mỗi chiếc bánh là 10.000 đồng.
Mắc kẹt ở Việt Nam, khách Tây bán bánh chiên vỉa hè
Ngọc Diệp