Bạn có nhận ra rằng những công trình kiến trúc, những món đặc sản nên thử qua là biết bao điều bạn nói về một vùng đất chỉ dừng chân vài ngày. Vài ba tháng để bạn nói về con người nơi đó, những mối quan hệ quanh bạn, và khi đủ lâu để bạn nhắc đến vùng đất đó với những kỷ niệm, nỗi nhớ yêu thương, bạn sẽ gọi đó là nhà. Tôi sinh ra và lớn lên tại Hà Nội và Bangor là ngôi nhà thứ hai của tôi.
"Bangor ở đâu?" luôn là câu hỏi mà thậm chí những người đã từng sống ở Anh đều hỏi tôi. Tôi cũng đã đi tìm câu trả lời 4 năm về trước, khi đó tôi 18 tuổi, vừa hoàn thành xong khóa dự bị đại học tại miền Nam xứ Wales. Bangor thực chất là sự lựa chọn thứ hai của tôi, tôi bước lên chuyến xe bus đường dài với vẻ mặt nhàu nhĩ. Bác tài xế nhìn tôi động viên: "Vui lên đi cậu bé, còn 12 tiếng phía trước cơ".
![anh-3.jpg](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2015/10/02/anh-3-2162-1443747623.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=p8nTvRIqpfmxz6bfOohIpA)
"Trời ơi, 12 tiếng...", tôi thở dài ngao ngán, nhắm mắt ngủ...
... Vẫn là giọng nói của bác tài xế nhưng lần này được truyền qua mic, đánh thức cả chuyến xe. Tôi bừng tỉnh, đập vào mắt tôi là những tia nắng, không, phải là một trận mưa nắng dội xuống cửa sổ xe, tràn vào bên trong rồi vỡ òa trên sàn, chúng nhuộm cả chiếc xe bus bằng một màu vàng hồng của hoàng hôn. Tôi đưa tay lên, có thể thấy được từng hạt nắng len lỏi qua kẽ tay, rơi nhẹ xuống sàn. Ngoảnh nhìn ra cửa sổ, trước mắt tôi là khung cảnh tôi chỉ dám nghĩ đến trong mơ: trời và đất như hòa làm một, tôi không còn nhìn thấy đường chân trời nữa, chỉ thấy một màu hồng rực rỡ của nắng hồng nhuộm cả biển xanh.
Như một phản xạ, tôi kêu lên: Oh my God... và lúc đó, tôi không phải là người duy nhất thốt ra điều đó. Bác tài xế quay xuống nhìn tôi nháy mắt: "May be this thing could cheer you up! Croeso gogledd Cyrum". Sau này tôi mới biết rằng câu đó có nghĩa là: chào mừng đến với North Wales. Đó có lẽ là phần đầu tiên của bài học UK gửi đến tôi: "Cứ bước tiếp nhé. Mọi chuyện đều có nguyên do của nó".
![anh-2.jpg](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2015/10/02/anh-2-5685-1443747623.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=lAih3wBowfIt3YZNn-mn9A)
Vậy là tôi đã gắn liền thời sinh viên của mình với Bangor từ đó. Tôi vẫn hay gọi trêu Bangor là làng chài hẻo lánh vì cuộc sống nơi đây vô cùng thanh bình, thời gian cũng dường như trôi chậm hơn. Làng chài nhỏ nhắn này nằm e ấp giữa rặng núi Snowdonia, một phần nhìn ra biển Ailen. Bangor mang trong mình từng hơi thở của biển. Gió ở đây to lắm, thường chiều lòng người tùy theo mùa. Tôi vẫn ví mùa hè mang cả biển vào thành phố này, khi những cơn gió dập dìu những triển cỏ nơi đây tựa như sóng ngoài cửa biển Bangor vậy. Đông về, gió quả thực là một cơn ác mộng với bất kỳ ai khi phải ra ngoài đường, gió mang theo những hạt mưa lạnh buốt tát vào mặt, rát vô cùng. Những ngày đó tôi thường trốn trong nhà, ngắm mưa, chơi game cùng bạn bè.
Bangor chia làm hai phần là Upper Bangor và Lower Bangor được nối với nhau bằng con dốc Love Lane. Phải mãi sau này tôi mới biết vì sao nó mang tên gọi đó. Khi xuân về, có lẽ mùa xuân sẽ về với con dốc này đầu tiên. Bạn sẽ chỉ thấy một màu vàng của bạt ngàn hoa thủy tiên xứ Wales, điểm xuyết màu trắng của những bông cúc dại không tên. Rồi đến cuối tháng 4, trong từng hơi thở của gió là những cánh hoa anh đào trắng, nhẹ bay, chạm nhẹ xuống đất nay đã trở thành màu tím của hoa bluebell. Tôi thường gọi con đường này là Spring of Bangor.
![anh-4.jpg](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2015/10/02/anh-4-4559-1443747623.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Ydpg1gIV5gyNOLjaf2HJkQ)
Năm thứ nhất tôi ở trọ trong ký túc xá Normal Site của trường. Tại đây tôi quen được rất nhiều bạn mới. Tôi luôn nhận được nhiều sự chú ý nhất, vì có lẽ tôi là người Việt đầu tiên chúng gặp. Chúng luôn tò mò về phần bên kia của địa cầu - điều mà chỉ có trong sách vở, tivi hay Internet. Tôi luôn cố gắng giải thích cho chúng nghe về văn hóa phương Đông bằng vốn từ vựng còn chưa phong phú. Đó cũng là thời điểm mà tiếng Anh của tôi tiến bộ một cách vượt bậc khi bên cạnh là những cuốn tử điển sống luôn sẵn sàng giải thích một cách cặn kẽ. Tôi cũng hiểu thêm rất nhiều điều về văn hóa nước Anh thông qua chúng: cách bắt chuyện một người Anh nên bắt đầu bằng chủ đề thời tiết, và từ xin lỗi tại xứ sở này sẽ có vô vàn ý nghĩa...
Trường tôi nằm trên đầu dốc Love Lane và cũng là nơi cao nhất của Upper Bangor. Tôi yêu trường vô cùng vì quả thực đó là một kiệt tác kiến trúc: những hành lang cẩm thạch mái vòm sâu hun hút, những căn phòng được thiết kế theo lối cổ điển khiến tôi hay bất cứ ai đến đây đều mê mẩn. Nhưng đôi khi chúng làm tôi khốn khổ vì nhầm lẫn. Hôm đó tôi có tiết Kinh tế vĩ mô đầu tiên. Vào lớp, khi slide chiếu lên, tôi chỉ thấy hóa thạch khủng long và người tiền sử, thầm hỏi: "Hóa thạch khủng long liên quan gì đến kinh tế thế giới nhỉ?". Mãi sau tôi mới biết mình vào nhầm lớp của khoa khảo cổ. Đêm đó bọn bạn tôi được một trận cười nghiêng ngả.
Rồi tôi cũng gặp hội người Việt ở đây. Nhắc đến họ là những câu chuyện dài, là những kỷ niệm buồn vui lẫn lộn. Họ đến từ mọi miền của tổ quốc, nhưng cùng chung sống ở Bangor, nên tại đây không có khái niệm vùng miền. Tôi luôn là em út trong gia đình này nên được mọi người chiều nhất.
![anh-6.jpg](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2015/10/02/anh-6-5502-1443747623.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=an_ydvkWODws773i6UBBLg)
Tháng 11 về là lúc mưa về trên Bangor. Thành phố phủ lên minh một màu xám ủ dột. Nhưng với hội người Việt ở đây, tôi luôn thấy nắng trong mỗi nụ cười của họ. Mặc kệ trời mưa cứ rả rích bên ngoài, bên trong những căn nhà ấm cúng của người Việt, những cuộc vui dường như không bao giờ tàn. Cuộc sống du học và tiết trời xe lạnh nơi đây như mang mọi người đến gần nhau hơn. Có những đêm chúng tôi thức và tâm sự, rồi ai cũng tìm ra một điểm chung rằng bằng một điều gì đó không mong muốn chúng tôi đều đến với Bangor. Nhưng khi kết nối mọi thứ với nhau, tôi và mọi người thầm nghĩ đó thực sự là một điều may mắn.
Tết với tôi đã không còn là Tết xa nhà nữa khi quanh tôi là một gia đình. Mọi người cùng gói bánh chưng, cùng chia ca canh nồi bánh. Hoa đào là một niềm mơ ước, một thứ gì đó quá xa xỉ tại nơi đây, vậy mà trong mâm cỗ giao thừa, một cành đào vẫn chễm chệ mang sắc xuân của Việt Nam tới Bangor. Trung thu của tôi giờ không còn là hàng Mã đông đúc của Hà Nội, mà là những đốm sáng lung linh của đèn hoa đăng trên sông Menai, mang trong mình những ước mơ trôi ra biển lớn. Thậm chí một đám cưới của một thành viên trong gia đình này, ngay chính tại Bangor. Mọi thứ đều được tự chuẩn bị, từ váy áo, hoa, tiệc, cô dâu bước ra đẹp như một nàng tiên giữa mùa hè đầy nắng của UK và hạnh phúc như vỡ òa khi đóa hoa được tung lên dành tặng cho ai may mắn bắt được.
![anh-1.jpg](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2015/10/02/anh-1-1444-1443747623.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=b8rlXTr11IJfx0JdXHhvdQ)
Ba năm đại học trôi qua tựa như một bản saxophone với những nốt trầm bổng, là những kỷ niệm vui có buồn có, nhưng hòa lại vẫn là một bản nhạc ngọt ngào trong tôi. Bangor dạy cho tôi một bài học rằng hãy biết trân trọng từng phút giây hạnh phúc, rằng trải nghiệm dù đẹp hay xấu đều tốt cả.
Và để trả lời cho câu hỏi: Bangor ở đâu? Tôi sẽ trả lời rằng Bangor ở đây ngay đây thôi, ngay trong tim tôi và ở đây nữa ngay trong tâm trí này. Tức là Bangor đã trở thành một phần của tuổi trẻ, để khi quay đầu nhìn lại tôi luôn mỉm cười với nó...
Nguyễn Hải Đăng