Tòa án Tối cao Bangladesh ngày 21/7 ra phán quyết điều chỉnh hệ thống tuyển dụng viên chức dựa trên lý lịch, với hạn ngạch tuyển dụng dành cho con cháu cựu chiến binh giảm từ 30% xuống còn 5%.
Tòa cũng yêu cầu 93% vị trí tuyển dụng cần được thực hiện dựa trên đánh giá năng lực ứng viên thay vì lý lịch. 2% hạn ngạch còn lại sẽ dành cho người khuyết tật, cộng đồng chuyển giới và các dân tộc thiểu số.
Quy định về hạn ngạch viên chức, trong đó ưu tiên tuyển dụng cho con cháu cựu chiến binh, bị sinh viên và thanh niên Bangladesh cho là bất công và xuống đường biểu tình từ đầu tháng 7. Các cuộc biểu tình gần đây biến thành bạo loạn ở thủ đô Dhaka, khiến hơn 100 người thiệt mạng khi sinh viên đụng độ với cảnh sát vũ trang.
Thủ tướng Sheikh Hasina đã tuyên bố thiết quân luật từ ngày 20/7, huy động quân đội vào thủ đô Dhaka và cho phép nổ súng dẹp bạo loạn. Quân nhân và thiết giáp được điều động đến trước Tòa án Tối cao Bangladesh và các tòa nhà chính phủ để duy trì trật tự.
Chính phủ cũng áp dụng ngày nghỉ trên toàn quốc cho hai ngày 21-22/7 và chỉ những cơ quan dịch vụ khẩn cấp được duy trì hoạt động bình thường.
Bộ trưởng Nội vụ Asaduzzaman Khan cho biết lệnh thiết quân luật được nới lỏng trong hai tiếng vào chiều 21/7 để người dân tích trữ nhu yếu phẩm, chuẩn bị cho "giai đoạn bất định sắp tới".
Ông Khan cáo buộc hai đảng đối lập Chủ nghĩa dân tộc Bangladesh (BNP) và đảng Jamaat đang kích động bạo lực, nhấn mạnh lệnh thiết quân luật chỉ được dỡ bỏ khi tình hình an ninh quốc gia được cải thiện.
"Các lực lượng đối lập đang tổ chức hoạt động phá hoại nhắm vào chính phủ", ông Khan nói.
Quy định về hạn ngạch tuyển dụng viên chức dựa trên lý lịch đã bị chính phủ Bangladesh hủy vào năm 2018, nhưng đến tháng 6 được khôi phục nhờ một phán quyết của tòa án cấp cao.
Theo Tổng chưởng lý AM Amin Uddin, Tòa án Tối cao Bangladesh ngày 21/7 kết luận phán quyết khôi phục hạn ngạch tuyển dụng viên chức này là "bất hợp pháp".
Người biểu tình, chủ yếu gồm sinh viên, cũng cho rằng quy định tuyển dụng này chỉ có lợi cho các đồng minh của đảng cầm quyền Liên đoàn Awami, từng dẫn dắt cuộc chiến giành độc lập và muốn ưu tiên cho gia đình những người tham gia phong trào đấu tranh đó.
Ngày 18/7, hàng nghìn sinh viên mang theo gậy gộc, gạch đá tuần hành trên đường. Khi cảnh sát bắn đạn cao su vào đoàn biểu tình, những người này chống trả và dồn họ vào trụ sở đài truyền hình Bangladesh. Người biểu tình phóng hỏa đốt một tòa nhà của đài truyền hình cùng hàng chục phương tiện đậu bên ngoài.
Người biểu tình cũng đốt khoảng chục chiếc xe ở lối vào cơ quan ứng phó thảm họa quốc gia. Khoảng 60 cảnh sát được trực thăng giải cứu khi mắc kẹt trên nóc tòa nhà trong khuôn viên Đại học Canada, nơi xảy ra một số vụ đụng độ nghiêm trọng nhất ở Dhaka.
Đại diện các tổ chức sinh viên Bangladesh ngày 21/7 tuyên bố sẽ tiếp tục biểu tình đến khi chính phủ tRả tự do cho những người bị bắt gần đây và cách chức những người ra lệnh trấn áp biểu tình.
Thanh Danh (Theo Al Jazeera, AFP)