Thái Lan ban đầu dường như kiểm soát tốt đại dịch Covid-19 khi chỉ ghi nhận gần 4.000 ca nhiễm tính đến hết tháng 11, dù là quốc gia đầu tiên ghi nhận ca nhiễm ngoài Trung Quốc. Tuy nhiên, đợt bùng phát tháng trước tại một chợ hải sản khiến Covid-19 hiện xuất hiện tại 53 trong số 73 tỉnh của Thái Lan, nâng tổng số ca nhiễm lên hơn 7.300.
Tại Bangkok, nơi ghi nhận hơn 2.600 ca nhiễm, chính quyền thành phố đã hành động nhanh chóng và thông báo lệnh phong tỏa một phần sẽ có hiệu lực từ 2/1. Quán bar, hộp đêm, sàn đấu quyền anh, địa điểm chọi gà, tiệm mát xa cũng như các thẩm mỹ viện và phòng tập sẽ nằm trong số hàng loạt doanh nghiệp bị ảnh hưởng.
Bangkok hôm qua cũng thông báo các trường công lập sẽ đóng cửa trong hai tuần. Hơn 10 chốt kiểm soát được lập trên toàn thành phố tính đến hôm nay.
"Chúng tôi không muốn sử dụng các biện pháp cực đoan như phong tỏa và áp lệnh giới nghiêm, nhưng chúng tôi cần biện pháp cứng rắn hơn để ngăn ca nhiễm gia tăng", Taweesin Visanuyothin, phát ngôn viên nhóm chuyên trách Covid-19 của Thái Lan, cho biết.
Ông cũng thông báo thêm rằng các hạn chế và lệnh phong tỏa trên toàn quốc dự kiến có hiệu lực từ 4/1 đến 1/2, gia hạn thêm hai ngày so với thủ đô để các chủ doanh nghiệp chuẩn bị.
Giới chức Thái Lan miễn cưỡng phân loại sự bùng phát mới là "làn sóng thứ hai". Tuy nhiên, sự tức giận đã bùng lên trên mạng xã hội Thái Lan hôm nay khi các hạn chế được gia hạn. Nhiều chủ doanh nghiệp bày tỏ thất vọng vì lệnh phong tỏa một phần.
"Tôi tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp, nhưng tôi phải đóng cửa kinh doanh trong khi rất nhiều người đang chen chúc hàng ngày trên tàu trên cao", Aksika Chantarawinji, một chủ spa, bình luận trên Facebook của thống đốc Bangkok.
Nền kinh tế Thái Lan đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19, và là một trong những nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở Đông Nam Á do phụ thuộc du lịch và xuất khẩu.
Huyền Lê (Theo AFP)