Phát ngôn viên chính phủ Thái Lan Thanakorn Wangboonkongchan hôm 9/9 cho biết thủ đô Bangkok cùng Hua Hin, Pattaya và Chiang Mai sẽ nằm trong chương trình tái mở cửa cho những du khách đã được tiêm chủng Covid-19 đầy đủ và cam kết thực hiện một loạt xét nghiệm, theo một số tiêu chí nhất định.
Tuy nhiên, Thống đốc Cơ quan Du lịch Thái Lan Yuthasak Supasorn nhấn mạnh Bangkok sẽ chỉ tái mở cửa một phần, bắt đầu từ những khu vực phổ biến với du khách, nói thêm rằng họ đặt mục tiêu một triệu du khách đến Thái Lan trong năm nay. Con số này hồi năm 2019 là gần 40 triệu.
Thái Lan hôm 9/9 ghi nhận 16.031 ca nhiễm nCoV mới và 220 trường hợp tử vong, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 1.338.550 và 13.731, giữa lúc có những dấu hiệu cho thấy số ca nhiễm mới có thể đã đạt đỉnh. Tuy nhiên, tiêm chủng có thể là vấn đề cản trở tái mở cửa, khi mới chỉ 34% dân số Bangkok được tiêm chủng đầy đủ và trên toàn quốc là 15%.
Toàn cầu đã ghi nhận 223.928.092 ca nhiễm nCoV và 4.617.444 ca tử vong, tăng lần lượt 669.633 và 9.643, trong khi 200.339.110 trường hợp đã bình phục, theo trang thống kê thời gian thực Worldometers.
Tại Đông Nam Á, Singapore cũng sẽ nới lỏng hạn chế di chuyển đối với lao động nhập cư sống trong các ký túc xá từ tuần sau, hơn một năm sau đợt bùng phát Covid-19 nghiêm trọng ở những khu ký túc này.
Thông báo được đưa ra trong bối cảnh hơn 90% người lao động sống tại ký túc đã được tiêm chủng đầy đủ, cao hơn tỷ lệ toàn quốc là 81%. "Cùng với việc áp dụng chiến lược gồm nhiều lớp để xét nghiệm, phát hiện và ngăn chặn Covid-19 lây lan, chúng tôi giờ đây được chuẩn bị tốt hơn để ứng phó bất kỳ đợt bùng phát nào từ các ký túc xá", Bộ Nhân lực Singapore cho biết.
Singapore hôm 9/9 báo cáo 450 ca nhiễm nCoV mới trong cộng đồng, con số cao nhất kể từ tháng 8/2020 và hơn gấp đôi số ca nhiễm mới một tuần trước. Tổng số ca nhiễm và tử vong vì Covid-19 tại Singapore hiện lần lượt là 70.039 và 57. Hầu hết biện pháp hạn chế đã được dỡ bỏ, khi đất nước đang trong quá trình tái mở cửa theo từng giai đoạn.
Quốc gia đáng lo ngại nhất hiện nay tại khu vực là Philippines, với tổng số ca nhiễm và tử vong vì Covid-19 lần lượt là 2.161.892 và 34.733. Tỷ lệ ca nhiễm hàng ngày của nước này cao thứ hai Đông Nam Á, sau Malaysia.
Đợt bùng phát thứ tư của Philippines do biến chủng Delta dường như không có dấu hiệu chậm lại. Tính đến ngày 8/9, số ca nhiễm trung bình hàng ngày đã lên tới gần 19.000. Cùng với việc mới 14% dân số được tiêm chủng đầy đủ, Philippines được cho là khó có thể kịp tiêm chủng trước khi hệ thống y tế quá tải.
Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, báo cáo 41.529.522 ca nhiễm và 673.016 ca tử vong do nCoV, tăng lần lượt 129.299 và 1.721 trường hợp so với một ngày trước đó.
Tiến sĩ Anthony Fauci, giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ, hôm 9/9 cho biết tỷ lệ lây nhiễm hiện nay khiến việc phần nào trở lại cuộc sống bình thường là không thể. "Với quy mô đất nước của chúng ta thì không thể loanh quanh mức 100.000 ca nhiễm mỗi ngày. Con số phải giảm xuống dưới 10.000 trước khi người dân bắt đầu cảm thấy thoải mái", Fauchi nói.
Cùng ngày, Nhà Trắng tuyên bố chính quyền Tổng thống Joe Biden sẽ bắt buộc những công ty có từ 100 nhân viên trở lên tiêm chủng cho toàn bộ người lao động, hoặc tiến hành xét nghiệm nCoV hàng tuần, trong nỗ lực mới nhằm kiềm chế sự lây lan biến chủng Delta. Biện pháp này dự kiến ảnh hưởng đến khoảng 80 triệu người.
Nhật Bản hôm 9/9 quyết định mở rộng các biện pháp hạn chế khẩn cấp tại Tokyo và những khu vực khác đến cuối tháng này. Thủ tướng Yoshihide Suga cho biết điều này là cần thiết để củng cố hệ thống y tế vẫn căng thẳng vì những ca bệnh nghiêm trọng, dù số ca nhiễm mới đang có chiều hướng giảm và chiến dịch tiêm chủng được cải thiện.
"Việc tiêm chủng cho tất cả những người có nguyện vọng sẽ được hoàn thành trong tháng 10 hoặc tháng 11. Từ đó, chúng tôi có thể nới lỏng hạn chế, bằng cách sử dụng giấy chứng nhận tiêm chủng hoặc kết quả xét nghiệm", Suga cho hay.
Ánh Ngọc (Theo Reuters, Guardian, AFP)