Thuốc kháng sinh rất hiệu quả trong việc điều trị vết thương nhiễm trùng nhưng nên dùng một cách tiết kiệm. Các nhà khoa học tại trung tâm nghiên cứu Empa (Thụy Sĩ) phát triển loại băng y tế mới với mục đích này. Nó sẽ chỉ tiết ra thuốc khi phát hiện dấu hiệu nhiễm trùng, New Atlas hôm 30/3 đưa tin.
Các loại thuốc kháng sinh có thể gây ra tác dụng phụ không mong muốn. Thêm vào đó, việc lạm dụng chúng sẽ góp phần giúp vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh phát triển.
Băng truyền thống có màu đục nên không thể nhìn thấy vết thương bên dưới có nhiễm trùng hay không. Vì thế, thuốc kháng sinh thường được bôi lên vết thương trước khi băng lại để phòng ngừa. Dù vậy, vết thương vẫn có thể nhiễm trùng sau khi hấp thụ lượng kháng sinh ban đầu.
Băng y tế mới gồm một màng sợi nano làm từ polymer PMMA (polymethyl methacrylate) kết hợp với polymer Eudragit. Thuốc khử trùng octenidine dihydrochloride được bọc trong những sợi này.
Khi bề mặt vết thương nằm trong phạm vi nhiệt độ da bình thường, từ 32 đến 34 độ C, hỗn hợp polymer vẫn ở trạng thái rắn và giữ thuốc bên trong. Tuy nhiên, nếu bị viêm do nhiễm trùng và nhiệt độ bề mặt vết thương tăng lên ít nhất 37 độ C, polymer sẽ chuyển sang trạng thái mềm hơn, nhả một lượng octenidine dihydrochloride vào mô bị nhiễm trùng.
Khi phần nhiễm trùng được điều trị và vết thương nguội đi, polymer sẽ cứng lại, tiếp tục giữ phần còn lại của thuốc khử trùng. Băng y tế có thể nhả octenidine dihydrochloride 5 lần trước khi dùng hết toàn bộ thuốc.
Nhóm nhà khoa học đang cố gắng giảm sự gia tăng nhiệt độ cần thiết để kích hoạt vật liệu, đồng thời nghiên cứu sử dụng các loại thuốc khác, ví dụ như thuốc kháng sinh thật. Nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí ACS Applied Bio Materials.
Đây không phải loại băng đầu tiên có khả năng nhả thuốc khi phát hiện nhiệt độ tăng do nhiễm trùng. Các nhà nghiên cứu tại Đại học Tufts cũng đang phát triển băng y tế sử dụng cảm biến điện tử để thực hiện công việc này.
Thu Thảo (Theo New Atlas)