QR code có kích thước 8x8 cm dán góc trên cùng bên trái của bảng tên đường được Trung tâm quản lý hạ tầng giao thông đường bộ, Sở Giao thông Vận tải TP HCM gắn từ ngày 13 đến 15/10. Sáu trục giao lộ có mã QR gồm: Lê Thánh Tôn – Đồng Khởi, Lê Thánh Tôn – Pasteur, Lý Tự Trọng – Pasteur, Lý Tự Trọng – Đồng Khởi, Nguyễn Du – Đồng Khởi và Lê Duẩn – Công xã Paris.
Mã QR được gắn cao hơn 2 m, hướng ra bên ngoài lộ. Người dân dùng điện thoại thông minh quét mã và sẽ nhận được thông tin về chiều dài, lộ giới của tuyến đường cũng như nhân vật, sự kiện được đặt tên. Thông tin về tiểu sử tên đường do Sở Văn hóa - Thể thao cung cấp cho Sở Giao thông Vận tải cập nhật vào phần mềm quản lý, duy tu đường bộ.
Theo đại diện Trung tâm hạ tầng giao thông đường bộ, người dân có thể đứng cách bảng tên đường 4 m, quét mã ở tầm cao 2 m hoặc phóng đại camera điện thoại là thiết bị có thể nhận dạng và tra cứu thông tin. Điện thoại sẽ gửi đến một đường dẫn, chứa thông tin về tên đường dưới dạng file ảnh.
"Mã QR được làm bằng vật liệu giấy phản quang nên rất bền, nếu không bị vật lạ che khuất thì sẽ rất nhạy, xuất thông tin gần như ngay lập tức sau khi nhận dạng", đại diện trung tâm hạ tầng giao thông đường bộ nói và cho biết dự án đang trong quá trình thí điểm và sẽ phát triển thêm nhiều tính năng sau này.
Đứng chờ đi qua ngã tư Lý Tự Trọng - Đồng Khởi, ông Lê Hoàng Long, 46 tuổi, cho biết lần đầu tiên nhìn thấy mã QR gắn trên bảng tên đường. Ông cho rằng đây là ý tưởng hay để giúp người dân và khách du lịch biết thông tin về các nhân vật, sự kiện lịch sử.
"Tuy nhiên, vị trí mã QR gắn hơi cao, kích thước hơi nhỏ gây khó khăn khi tra cứu. Nhiều người đi đường cũng băn khoăn không biết mã QR này để làm gì, vì vậy cần phải truyền thông để người dân biết được tiện ích này", anh Long nói.
Trải nghiệm thực tế cho thấy, khi quét ở khoảng cách 3 m với bảng tên đường điện thoại sẽ cho kết quả nhanh sau 3 giây. Còn ở vị trí xa hơn, việc quét thông tin khó khăn, phải phóng to hình ảnh, mất nhiều thời gian mới có kết quả.
"Tôi dùng điện thoại quét phải 5-6 lần, đến khi mỏi tay mới được. Khi dùng ứng dụng này thì buộc phải đưa điện thoại lên cao, điều này hơi bất tiện vì có thể tiềm ẩn nguy cơ bị cướp giật", chị Ngọc Nhi, 26 tuổi, nói.
Còn Hoàng Mai, 22 tuổi, sinh viên Nhạc viện TP HCM cho rằng, hiện tại hầu như ai cũng có điện thoại thông minh và có thể tra cứu trên mạng dễ dàng hơn quét QR code. Vì thế thông tin nhận được khi quét mã QR cần có giá trị, cô đọng, súc tích để người dân sử dụng. "Cần có thể thêm ngôn ngữ tiếng Anh và một số ngôn ngữ phổ biến khác để khách nước ngoài có thể tra cứu", Hoàng Mai nói.
Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP HCM Trần Quang Lâm cho biết, đơn vị sẽ ghi nhận góp ý của các cơ quan, đơn vị và người dân để tiếp tục hoàn thiện trước khi lắp đặt đại trà. Nội dung góp ý có thể gửi về Sở theo đường công văn, tổng đài 1022, website và fanpage Sở GTV... trước ngày 10/11.
Trước đây, một số địa phương như Hà Nội, Quảng Ngãi, Đồng Nai... đã chú thích tiểu sử, công trạng những danh nhân ngay phía dưới bảng tên đường. Điều này giúp người dân, khách du lịch hiểu được lịch sử, văn hóa và công lao của người được đặt tên đường. Đây là lần đầu tiên mã QR được dán trên bảng tên đường.
Hồi tháng 9, Sở Văn hóa - Thể thao báo cáo UBND TP HCM về 38 tên đường bị đặt sai. Trong đó, 19 tên đường sau khi lấy ý kiến Hội Khoa học lịch sử thành phố, Sở kiến nghị phải đổi theo đúng tên nhân vật lịch sử. Theo các chuyên gia sử học, tên đường không đúng cần phải sửa để thể hiện sự tôn trọng với nhân vật được đặt tên, với lịch sử.
Hà An - Đình Văn