Chân đau nhức, người đầy vết thương, tinh thần tàn tạ sau nhiều ngày đi bộ trong rừng rậm Darien nối Colombia với Panama, họ mới đi được nửa quãng đường và vẫn còn chặng đường dài phía trước cần vượt qua Trung Mỹ và Mexico.

Người di cư lội bùn tới làng Canaan Membrillo. Ảnh: AFP.
Nhóm người di cư gồm đàn ông, phụ nữ, trẻ em và thậm chí cả trẻ sơ sinh, chịu đựng gian khổ với hy vọng bắt đầu cuộc sống mới ở Mỹ nhưng có thể, những nỗ lực này là vô ích.
Tuần trước, Mỹ thông báo người Venezuela đi đường bộ tới Mỹ mà không có giấy tờ hợp lệ sẽ phải quay lại Mexico. Đối với Jesus Arias, 45 tuổi, đôi khi phải "liều mạng để có tương lai".
"Nhưng nói thật, tôi khuyên không nên đi đường rừng vì quá vất vả", anh nói khi cùng những người khác tới khu định cư của người bản địa ở Panama, Canaan Membrillo, một trong những trạm kiểm soát ở biên giới trong khu vực rừng rậm 575.000 ha.

Vị trí của Mỹ và Venezuela. Đồ họa: Maps of World.
Arias đến Canaan Membrillo nhờ người trong nhóm cõng, sau khi bị thương ở đầu gối. Anh thực hiện hành trình dù biết sẽ khó khăn bởi "không có tương lai ở Venezuela. Mỗi ngày lại tệ hơn".
Anh có thể không còn lựa chọn nào khác ngoài quay lại đất nước đang đối mặt khủng hoảng, mất an ninh, thiếu thốn dịch vụ thiết yếu. Cơ quan Tị nạn Liên Hợp Quốc cho hay 6,8 triệu người tị nạn và di cư đã rời Venezuela từ năm 2014.
Theo sắc lệnh của Mỹ, chỉ 24.000 người Venezuela nộp đơn sang Mỹ theo chương trình nhân đạo được phép nhập cảnh.

Một người đàn ông lau chùi đôi chân bị thương ở làng Canaan Membrillo, rừng Darien, Panama, ngày 12/10. Ảnh: AFP.
"Dù sao cũng phải đi", Arias nói. "Nếu bị chặn, sẽ có lúc chúng tôi tìm được cách vào".
"Tôi đã chứng kiến nhiều người chết khi băng qua những ngọn núi, nhìn thấy những dòng sông cuốn đi nhiều mạng người. Rất khủng khiếp", Nelida Pantoja, 46 tuổi, người Venezuela, nói. Nhưng giống đa số người khác, bà thề "tiếp tục cố gắng" tới khi đến được Mỹ.
Số lượng người Venezuela vượt biên qua rừng Darien năm nay cao kỷ lục, khoảng 133.0000 người từ tháng 1 tới giữa tháng 10, theo giới chức Panama. Năm ngoái, con số này là 2.800. Ít nhất 100 người đã chết khi băng qua rừng Darien từ năm 2018, trong đó một nửa thiệt mạng năm 2021, năm ghi nhận nhiều người di cư tử vong nhất cho tới nay.

Một người di cư Venezuela nằm nghỉ trên mặt đất ở làng Canaan Membrillo. Ảnh: AFP.
Darwin Vidal, 33 tuổi, cho hay đang chật vật giữ sức cho chặng đường kế tiếp với địa hình hiểm trở, rắn độc, động vật hoang dã và băng nhóm tội phạm.
"Tôi từng lạc ba ngày trong rừng rậm cùng gia đình. Mang theo con nên chúng tôi đi rất chậm, không theo kịp cả đoàn, chúng tôi bị tụt lại phía sau và bị lạc", anh kể về "quãng thời gian đáng sợ"
Rusbelis Serrano, 18 tuổi, nghĩ rằng điều tồi tệ nhất đã qua. "Bố mẹ, các anh tôi đang chờ tôi ở Mỹ", cô nói. "Tôi không còn gì vướng bận, tôi phải tiếp tục cố gắng".
Hồng Hạnh (Theo AFP)