Trên một trang thương mại điện tử có tiếng, một cửa hàng có địa chỉ tại Hà Nam rao bán hàng loạt bảng mạch iPhone với lời quảng cáo "mainboard nguyên zin, giá rẻ như cho". Cửa hàng này cung cấp các loại bảng mạch cho iPhone từ model 5s tới iPhone X, với giá từ 200 nghìn đồng tới hơn 1 triệu đồng. Trong phần mô tả, đơn vị này cho biết đây là loại bảng mạch iPhone đã "bypass", chỉ cần lắp vào vỏ là có thể sử dụng như iPhone bình thường, ngoại trừ nghe gọi và sử dụng các dịch vụ của nhà mạng.
"Bypass" là hình thức vượt qua màn hình Activation Lock trên các thiết bị chạy iOS để có thể sử dụng máy mà không phải mở khóa iCloud. Tuy nhiên, máy sẽ bị thiếu một số tính năng, như không thể sử dụng các dịch vụ của nhà mạng, không thể dùng FaceTime, iMessage...
Theo anh Chí Anh, bảng mạch là thành phần "rẻ" nhất trên một chiếc iPhone hỏng. Các thành phần khác, như màn hình, pin, vỏ... đều rất dễ bán, vì chỉ cần lắp vào là dùng được hoặc có thể chuyển từ máy này sang máy kia. Trong khi bảng mạch nếu đã khóa iCloud thì không thể sử dụng lại. Nếu gặp trường hợp này, thợ chỉ mua để "rã" lấy linh kiện.
Tuy nhiên từ khi công cụ "bypass" được chia sẻ rộng rãi, thị trường gần như không còn các loại bảng mạch khóa iCloud. Theo một người làm nghề sửa iPhone, bảng mạch khóa iCloud của iPhone 5s, iPhone 6 giá chỉ vài chục nghìn đồng đến hơn một trăm nghìn. Nhưng nếu là bảng mạch có thể sử dụng lại, chúng có thể được bán với giá 150 - 250 nghìn đồng. Thợ sửa iPhone thường mua loại này về ráp thành máy để bán lại. Với những mẫu máy còn được chuộng, như iPhone 7 Plus, 8 Plus, giá của bảng mạch cao hơn, có thể lên tới 500 - 600 nghìn đồng.
Gần đây, trên nhiều hội nhóm mua bán iPhone và một số trang thương mại điện tử, các loại bảng mạch iPhone đã "bypass" được rao bán nhiều. Thậm chí có những nơi cung cấp bảng mạch này với số lượng lớn. Người mua phần lớn là thợ, mua về ráp thành iPhone hoàn chỉnh và bán lại. Một số người có iPhone hỏng main cũng tìm mua về để tự sửa, nhưng số này không nhiều.
Theo anh Chí Anh, người mua iPhone cũ cần cẩn thận, tránh mua phải iPhone dựng từ mạch đã "bypass". Các bảng mạch "bypass" thực chất là đang lợi dụng lỗ hổng bảo mật của Apple, vì vậy, chúng có thể trở thành "cục gạch" bất kỳ lúc nào nếu Apple vá lỗi.
Bypass là thủ thuật "vượt rào" bảo vệ của Apple. Kể từ iOS 7 ra mắt năm 2013, Apple đã công bố phương pháp bảo vệ iPhone bằng Activation Lock. Theo đó, nếu iPhone từng đăng nhập iCloud và tài khoản chưa xóa khỏi máy, người dùng sẽ phải đăng nhập iCloud sau mỗi lần reset hoặc nâng cấp. Điều này đảm bảo chỉ chủ nhân của máy mới có thể sử dụng. Tuy nhiên, bằng thủ thuật "bypass", bất kỳ ai cũng vượt qua bước Activation Lock để sử dụng máy. Những chiếc mainboard iPhone dính iCloud "bỗng dưng được giá".
Quý Văn