- Chị thấy mình còn đứng được ở sàn catwalk trong bao lâu nữa?
- Bây giờ thì tôi thấy mình chưa già, nhưng tôi thấy cái tương lai "quá già" đang đến gần rồi. Tôi đã 28 tuổi, mà hơn 30 tuổi đứng trên sàn cat walk chắc "vui" lắm. Một người "già khằn" đứng cạnh các em 19-20 tuổi, làm sao tránh khỏi cảm giác mắc cỡ! Nghĩ đến tuổi thọ của nghề, có người mẫu nào không buồn, nhưng lực bất tòng tâm, nên ngay lúc này đây, tham gia chương trình nào tôi đều diễn hết mình, để "trừ hao" cho khi không diễn được, chỉ biết ngồi nhà ôm gối khóc.
Người mẫu Bằng Lăng. Ảnh: quochuyphoto.com. |
- Vậy là, trong nghề người mẫu, chị không có cái đỉnh nào để chinh phục nữa sao?
- Máu làm nghề của tôi vẫn còn, thậm chí ngày càng dữ dội hơn, nhưng khả năng chỉ có giới hạn, mình không thể nào làm hơn được. Nói thẳng ra là lúc này, mình đâu còn "ngon" như khi mới vào nghề. Có khi diễn trên sân khấu chẳng qua vì ham vui và yêu nghề, chứ tôi không mong muốn tạo nên một dấu ấn nào nữa, nên dù vẫn còn nhiều lời mời biểu diễn, nhưng không phải chương trình nào tôi cũng nhận. Đặc biệt ngày thứ bảy và chủ nhật, tôi chỉ muốn dành riêng cho ông xã. Bởi tôi quan niệm, cái nghề của mình, muốn níu kéo cũng không được, còn tình nghĩa vợ chồng là mãi mãi, nhất là chúng tôi mới cưới được gần một năm, nên càng không muốn tình cảm bị nhợt nhạt quá nhanh.
- Thời hoàng kim không còn, phải chăng vì thế mà chị mất tự tin, thậm chí "ganh" với các em trẻ đẹp hơn mình?
- Lợi thế của lớp người mẫu trẻ là họ mới, cơ hội và tương lai phía trước tốt hơn. Nhưng tôi có phong cách riêng của mình. Nếu các em còn thiếu kinh nghiệm, đôi khi mất tự tin, dẫn đến quên bài, diễn lệch so với bạn diễn, hoặc không quan tâm đến bạn diễn, thì thế hệ của tôi, Anh Thư, Kim Hồng... khác hẳn, mỗi người một phong cách, và chúng tôi phối hợp với nhau rất ăn ý. Còn tôi có thể đứng riêng một mình, nên không cần phải ganh đua với mấy em làm gì, nhất là "gừng càng già càng cay", cái gì có kinh nghiệm hơn sẽ bền bỉ hơn.
- Hiện nay, cánh cửa bước ra thị trường thời trang quốc tế đang mở cho các người mẫu trẻ, Bảo Hòa, Minh Thúy là hai trong nhiều người mẫu tiềm năng đã "lên đường". Nhưng cánh cửa đó có vẻ im lìm với lứa tuổi của chị, dù chị có thể đứng riêng trên sàn catwalk trong nước. Chị nghĩ sao về điều đó?
- Với tôi, điều đó không quan trọng. Thứ nhất, tôi thích làm việc ở Việt Nam. Tôi đã tạo được tên tuổi và chỗ đứng riêng ở thị trường trong nước, thì không nhất thiết phải bước ra nước ngoài để làm người vô danh, nhất là ở nước ngoài, sự cạnh tranh còn khốc liệt hơn nhiều, chứ không đơn giản như cái làng thời trang bé xíu ở Việt Nam.
Thứ hai, chúng ta đều biết, cuộc sống của giới người mẫu nước ngoài nói chung khá buông thả, việc hút bồ đà, ma túy, tiệc tùng, say xỉn... trở nên phổ biến. Người mẫu Việt Nam, tuy nhiều người cũng có điều tiếng này kia, nhưng rõ ràng cuộc sống bình yên hơn nhiều. Chúng tôi diễn xong là về nhà, hưởng thụ cuộc sống cá nhân nhiều hơn, mà không phải đấu đá với bất kỳ ai.
Điều quan trọng nữa là, nếu ra nước ngoài, tôi phải nổi tiếng. Nhưng rất khó đạt được điều đó. Bởi người mẫu nước ngoài hơn mình về chiều cao, sự chuyên nghiệp. Họ có dáng người rất chuẩn, lúc nào cũng được huấn luyện viên quản lý, chứ không như người mẫu Việt Nam, muốn ăn gì thì ăn, thích cắt tóc ngắn, không lại nuôi tóc dài, và sẽ chẳng có cô nào mất show, nếu tăng vài kilogam. Nên tốt nhất là tôi vui vẻ hưởng thụ những gì mình đã làm được.
- Cuộc sống gia đình của chị thế nào?
- Mọi cái diễn ra rất tốt, ngoài mong đợi của tôi. Trước khi cưới, tôi không hình dung cuộc sống vợ chồng sẽ như thế nào, nhiều người nói thời gian đầu nhiều áp lực, dễ gây lộn, nhưng tôi thấy bình thường và yên ổn, không có gì phải lo lắng.
Khi chưa cưới tôi còn hay gây chuyện với ông xã, nhưng sau đám cưới, tôi nhu mì hẳn, do tôi đã hiểu ông xã nhiều hơn, tôi cảm nhận được cuộc sống theo cách khác, đàn bà hơn, chứ không còn nông nổi như trước. Tuy nhiên, tôi có số phiêu bạt - chồng tôi là cố vấn kinh tế, hợp đồng của anh ấy ở Việt Nam chỉ có giới hạn, nên 3-4 năm nữa, có thể tôi sẽ phải "cuốn gói" đến chỗ làm việc mới của chồng, mà đến giờ tôi vẫn chưa biết mình sẽ sống ở nước nào.
- Không chỉ phiêu bạt, mà chọn một anh "Tây" nghĩa là chị phải đối diện với rất nhiều khác biệt, chị thấy thế nào?
- Đầu tiên là vấn đề ngôn ngữ, đôi khi tôi không giải thích chính xác được điều mình muốn nói. Nhưng nhờ đó, vốn ngoại ngữ của tôi ngày càng tốt hơn. Tuy nhiên, có một khác biệt lớn, lấy chồng Việt Nam, nếu có điều kiện, họ sẵn sàng lo cho gia đình vợ, thậm chí họ có thể ở rể.
Nhưng đa số người nước ngoài không thích vấn đề đó, họ sẽ nói: anh lấy em chứ đâu lấy gia đình em. Bởi họ yêu mình là chỉ biết có mình. Họ chỉ muốn có hai vợ chồng trong nhà, chứ không thích đông người ồn ào. Đương nhiên tôi không thích điểm đó của chồng, nhưng tôi hiểu được quan điểm của người nước ngoài, nên cảm thấy dễ chịu hơn. Hơn nữa, vì yêu anh ấy, tôi dễ dàng chấp nhận, cũng như anh ấy yêu tôi nên chấp nhận rất nhiều sự khác biệt của tôi so với một phụ nữ Đức.
- Chị từng nói chỉ có thể yêu và lấy người nước ngoài. Vì sao vậy?
- Lý do là tôi đã yêu những người Việt Nam, nhưng không đi đến kết quả nào. Tôi cảm giác, hình như đàn ông Việt Nam không thích cá tính quá mạnh mẽ và cứng đầu của tôi. Ngay cả khi mẹ cũng nói tôi là con trai chứ không phải con gái. Vì ngay từ bé, tính tôi đã lỳ lợm và toàn đánh nhau với con trai. Ngay cả khi đùa, tôi toàn đấm, đá, chứ không đùa thùy mị, hay chải chuốt như con gái.
Mỗi khi cãi lộn với ông xã, cả tôi và anh ấy đều biết tôi sai, nhưng trong lúc tôi đang nóng thì tôi vẫn là người đúng, và tốt nhất là hãy để tôi một mình! Một tính xấu nữa là rất ít khi tôi nói câu xin lỗi, không phải vì sai mà vì anh ấy quá yêu tôi. Nhưng một người đàn ông Việt Nam, chắc khó chấp nhận sự cứng đầu của tôi.
- Đúng là chị dám vạch áo cho người xem lưng, nhưng xem ra "cái lưng" của chị có khá nhiều khuyết điểm, chị nói sao về điều đó?
- Tôi biết điều đó, nên đang từ từ giảm sự nóng tính, bướng bỉnh của mình. Trước đây cãi nhau, không bao giờ tôi xin lỗi. Còn bây giờ, chồng tôi nói: "Rốt cuộc, lời xin lỗi anh chờ đợi từ vợ cũng đã đến". Tôi biết, sự bướng bỉnh của mình sẽ chẳng đi tới đâu, nhưng sự thay đổi không thể diễn ra trong ngày một ngày hai.
- Đến giờ, nhiều người vẫn không có thiện cảm với việc phụ nữ Việt Nam lấy chồng nước ngoài, nhất là giới người mẫu càng bị ác cảm hơn. Đối với chị thì sao?
- Gần đây tôi không bị cảm giác đó, nhưng trước đây thì có. Tôi đi diễn đâu người ta cũng nhòm ngó, thậm chí vừa bước đi là họ nói xấu mình nay, mình còn nghe rõ mồn một họ nói những gì. Mình có phải là "gái" đâu mà họ lại nói như vậy.
Thực sự tôi rất bực bội trong lòng, nhưng nghĩ lại, đó là cuộc sống, là tình yêu của mình, còn dư luận chẳng sống với mình, cũng chẳng mang lại gì cho mình. Nếu lấy chồng Việt Nam, cuộc sống của tôi không hạnh phúc, họ cũng đâu có làm được gì cho mình. Còn ai không thích, không hiểu, muốn thắc mắc thì cứ hỏi, tôi sẽ giải thích tại sao tôi lại lấy người đàn ông đó làm chồng.
Bằng Lăng và chồng. Ảnh: Thế Giới Văn Hóa.
- Trong mắt chị, anh "Tây" hơn anh Việt điểm gì?
- Không có người nào hơn người nào cả. "Trâu ta ăn cỏ đồng ta", phụ nữ nào cũng muốn lấy chồng Việt Nam, vì đồng văn hóa, đồng ngôn ngữ sẽ dễ hiểu nhau hơn. Hơn nữa, như tôi nói, người Việt có cái người nước ngoài không có, đó là sự quan tâm, chia sẻ với gia đình vợ.
Nhưng tình yêu không có sự lựa chọn. Những người yêu trước đây, tôi đều muốn tiến đến một cái kết có hậu, là hôn nhân, nhưng yêu "mút mùa", cuối cùng vẫn chia tay. Nên trong lòng cảm thấy yêu là tôi sẽ yêu, bất kể người đó là ai, đến từ đâu, chứ tôi không thể tự ép mình làm những điều mình không thích. Tôi càng không muốn mở miệng là nói mình hạnh phúc trong khi trong lòng đang đau thối ruột.
- Ông xã phản ứng thế nào trước quá khứ tình yêu của chị, đặc biệt là những tin đồn chị là "gái vũ trường", "gái múa cột"?
- Chưa bao giờ anh ấy hỏi tôi yêu những ai, khổ như thế nào. Bởi anh ấy tôn trọng cuộc sống riêng tư của tôi và càng không muốn đụng đến quá khứ. Có điều anh ấy rất ghen, và không thích tôi nói đến người yêu cũ. Bản thân tôi cũng không yêu nhiều.
Trước đến nay, tôi chỉ quen hai người Việt Nam và hai người nước ngoài. Còn lời đồn "gái múa cột" tôi nghe cũng nhiều, chính anh Đỗ Tuấn bên Công ty Fadin cũng nói trước đây rất muốn mời tôi tham gia các chương trình Fashion week, nhưng nghe nói tôi là gái bar, gái vũ trường nên cô Minh Hạnh không muốn mời. Ngoài Fadin ra, tôi còn có rất nhiều lời mời, nhưng họ ái ngại vấn đề tôi là vũ công, gái vũ trường... Nhưng có bất công cho tôi không, nếu đó chỉ là suy luận?
- Tại sao lại có suy luận đó?
- Vì tôi làm việc ở vũ trường, và mọi người nghĩ tôi làm trong vũ trường, không làm "chuyện đó" còn làm chuyện gì. Thực tế là sau khi học xong lớp 9, tôi tập nhịp điệu, cô giáo thấy vóc dáng tôi đẹp, nên quyết định lập nhóm nhảy. Từ đó, ai cần là tôi nhảy, nhảy cho ca sĩ, cho các chương trình ca nhạc, và nhảy trong vũ trường. Nhiều khi họ cần vũ công nhảy để thấy logo, biểu tượng quảng cáo của họ.
- 15 tuổi đã vào vũ trường, chứng tỏ cuộc sống của chị cũng bị "quăng quật" nhiều?
- Nhưng tôi chẳng bị gì cả. Người ta nói gần mực thì đen gần đèn thì sáng, nhưng "đen" hay không do mình. Nếu gia đình giàu có, có thể tôi ăn chơi đua đòi mà bị nhiễm. Nhưng gia đình tôi nghèo lắm, mẹ quá cực khổ, tôi đi nhảy kiếm tiền cũng vì muốn gánh vác cho mẹ và có tiền ăn học, chứ không phải tôi làm để kiếm tiền ăn chơi, trưng diện.
Từ khi biết kiếm tiền, tôi trở thành trụ cột trong nhà. Còn trước đó, mẹ rất bươn chải, nhưng lúc nào nhà tôi cũng thiếu nợ. Trong khi tôi nhảy một đêm được 50 nghìn, một tháng nhảy mười đêm nghĩa là gia đình tôi có rất nhiều tiền rồi. Vì ngày đó, 50 nghìn là con số rất lớn, nên tôi nhảy đến tóe máu chân mà vẫn không thấy đau, tối tôi nhảy trong vũ trường, sáng vẫn đến trường học bình thường.
- Vũ trường là nơi có nhiều cám dỗ, từ 50 nghìn đến 500 nghìn, 5 triệu đồng cũng dễ dàng cho một cái gật đầu. Một cô bé 15 tuổi, chân tóe máu vì nhảy, làm sao có thể đề kháng được sự hấp dẫn đó?
- Vì cô bé đó mới 15 tuổi, vẫn còn ở tuổi vị thành niên! Hơn nữa, tôi làm việc ở vũ trường nhưng công việc của tôi chỉ là nhảy, sau đó đi về. Chủ vũ trường hồi đó lại toàn người nước ngoài, họ rất tôn trọng mình. Khi vũ công đang nhảy, nếu ai giở trò xằng bậy, sẽ bị bảo vệ can thiệp ngay. Khi tôi ra về, cũng có người chặn đường gặng hỏi, nhưng chúng tôi nhảy xong đều được bảo vệ đưa về tận nhà. Hơn nữa, chính các chủ vũ trường cũng hiểu chúng tôi còn quá nhỏ, nên họ không để điều gì đáng tiếc xảy ra.
- Khi trở thành siêu mẫu, nhìn lại cái thời "kiếm cơm" ở vũ trường, chị thấy điều gì?
- Đó là một quá khứ mệt mỏi và không ngọt ngào, nhưng tôi tôn trọng quá khứ đó. Vì nhờ đó, tôi mới có ngày hôm nay, đặc biệt từ khó khăn bước ra, tôi mới có những ngày tràn đầy hạnh phúc với người chồng mới cưới của mình.
(Theo Thể Thao Văn Hóa Đàn Ông)