Bộ trưởng Giao thông Đinh La Thăng vừa ký, ban hành Thông tư 48, sửa đổi, bổ sung một số điều trong Thông tư số 46 về quy định về đào tạo, sát hạch, cấp Giấy phép lái xe (GPLX) cơ giới đường bộ, theo đó sửa đổi hàng loạt điều khoản liên quan đến thời hạn cấp, GPLX với người nước ngoài, xác minh thông tin và cấp đổi lại bằng lái xe.
Cụ thể, theo thông tư sửa đổi này thì giấy phép lái xe hạng B1 (ôtô chở người đến 9 chỗ ngồi, ôtô tải dưới 3,5 tấn không kinh doanh vận tải) cấp cho người lái xe có thời hạn đến đủ 55 tuổi đối với nữ và đến đủ 60 tuổi đối với nam; trong trường hợp người lái xe trên 45 tuổi đối với nữ và trên 50 tuổi đối với nam thì giấy phép lái xe được cấp có thời hạn 10 năm, kể từ ngày cấp. Như hiện nay, loại giấp phép lái xe này chỉ có giá trị 10 năm, kể từ ngày cấp.
Ngoài ra loại GPLX hạng A1, A2, A3 không có thời hạn. GPLX hạng A4, B2 có thời hạn 10 năm, kể từ ngày cấp. GPLX hạng C, D, E, FB2, FC, FD, FE có thời hạn 5 năm, kể từ ngày cấp (giữ nguyên như thông tư cũ).
Thông tư sửa đổi cũng quy định, người nước ngoài hoặc người Việt Nam cư trú ở nước ngoài có nhu cầu lái xe ở Việt Nam, nếu có GPLX quốc gia phải làm thủ tục đổi sang GPLX tương ứng của Việt Nam; nếu có GPLX quốc tế do cơ quan có thẩm quyền của các nước tham gia Công ước về Giao thông đường bộ năm 1968 cấp, còn thời hạn sử dụng thì được lái loại xe quy định đã ghi trong GPLX mà không phải đổi sang GPLX Việt Nam.
Trường hợp điều ước quốc tế về GPLX mà Việt Nam là thành viên có quy định khác thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó.
Liên quan đến nội dung xác minh GPLX, Thông tư mới ban hành quy định rõ: việc xác minh GPLX phải thực hiện ngay qua điện thoại hoặc thư điện tử hoặc fax và sau đó gửi bằng văn bản... Và thời gian đổi GPLX không quá 5 ngày làm việc, kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định. Khi đổi GPLX, cơ quan cấp GPLX cắt góc GPLX cũ (trừ giấy phép lái xe do nước ngoài cấp).
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 1/12/2014.
Bá Đô