Bằng Kiều đến muộn 30 phút ở buổi tập nhạc trước liveshow tối 9/8, sau khi tham gia trận bóng đá giao hữu ở Vinh (Nghệ An). Trở về Hà Nội sau quãng đường dài, ca sĩ lao vào tập hát liên tục ba tiếng. Những lúc nghỉ giải lao, anh trêu chọc, cười đùa với êkíp. Đôi lần, anh dừng lại, ra ngoài hút thuốc lào. Dù sống ở nước ngoài nhiều năm, "anh Bầu" - tên thân thiết gia đình, đồng nghiệp gọi Bằng Kiều - giữ điếu cày như vật bất ly thân. Anh đùa được nhiều người khen "giọng hay nhờ hút thuốc".
Bằng Kiều cho biết suốt chặng đường ca hát, anh theo đuổi sự lãng mạn, phong cách lãng tử. Hàng chục năm làm nghề, anh có thể hát dòng nhạc quê hương, tiền chiến, cách mạng nhưng chỉ thực sự thăng hoa với nhạc tình.
Bằng Kiều có chất giọng cao trời phú, cùng với lối hát rủ rỉ, tựa như kể chuyện. Ở những đoạn điệp khúc, anh khoe chất giọng tenor (nam cao) - từng được nhạc sĩ Dương Thụ nhận xét thuộc "hàng hiếm". "Nó không bi hùng, hoành tráng như các giọng tenor phổ biến ở miền Bắc mà nhẹ nhàng, bay bổng", nhạc sĩ gạo cội nói. Tấn Minh - bạn học một thời của Bằng Kiều - kể: "Khi Bằng Kiều cất tiếng hát, giọng anh vút lên, mềm mại, khiến tất cả hội con gái cũng phải xấu hổ vì không hát cao được đến thế".
Năm 1996, tên tuổi Bằng Kiều khá phổ biến ở Hà Nội nhưng còn xa lạ với khán giả Sài Gòn. Cơ duyên đến với anh khi Mỹ Linh mời anh vào Nam hát bè cho cô ca khúc Chiều xuân, do Ngọc Châu sáng tác, hòa âm, hãng phim Trẻ phát hành. Lúc này, Mỹ Linh nổi tiếng trên cả nước. Sau đó, cả hai thấy ăn ý nên song ca Giọt sương trên mí mắt (Thanh Tùng), Nếu điều đó xảy ra (Ngọc Châu). Hai bài hát liên tục vào top yêu thích của chương trình Làn Sóng Xanh ngày ấy.
Đến năm 1998, khi Trái tim không ngủ yên (Thanh Tùng) ra đời, lượng fan của Bằng Kiều tăng vọt, ngày càng đông. Chất nam tính tràn đầy trong phong cách biểu diễn lẫn giọng hát vang, sáng giúp anh thu hút nhiều khán giả. Lối hát giàu tự sự của Mỹ Linh - Bằng Kiều khiến Trái tim không ngủ yên trở nên gần gũi, tựa như kể câu chuyện tình của mỗi người. Tiết mục song ca lập tức đưa bài hát trở thành một trong những ca khúc tạo nên sức hút của Làn Sóng Xanh thời kỳ đầu.
"Nếu anh nói anh vẫn chưa yêu là thật ra anh đang dối mình
Còn anh nói đã trót yêu em rồi là hình như anh đang dối em"
Hai câu mở đầu bài hát trở nên quen thuộc với nhiều thế hệ, nhất là khán giả 7x đời cuối và 8x đời đầu. Ở thời kỳ internet chưa phát triển, thế hệ trẻ Việt Nam lúc bấy giờ chủ yếu thưởng thức âm nhạc qua đài cassette, xem chương trình MTV. Bản hit của Bằng Kiều, Mỹ Linh là làn gió lãng mạn, làm phơi phới những tâm hồn yêu ca nhạc. CD cùng tên bài hát được giới trẻ thời đó săn lùng. Đạo diễn Phạm Hoàng Nam từng ngợi ca Trái tim không ngủ yên là bản hit không ai có thể thay thế của một trong những cặp nghệ sĩ đẹp nhất showbiz Việt một thời. Trước đó, khi Mỹ Linh thu âm bài hát một mình, bản thu không tạo hiệu ứng mạnh mẽ.
Ngoài Trái tim không ngủ yên, thời kỳ này, Bằng Kiều còn nổi tiếng với Trái tim bên lề, sáng tác của Phạm Khải Tuấn. Trong ca khúc, anh thể hiện cảm xúc buồn, day dứt khi yêu đơn phương. Bài hát đặt ra nhiều câu hỏi không lời đáp về tình cảm của "nửa kia". Chất giọng của Bằng Kiều phảng phất sự chới với, chông chênh. Trái tim bên lề là ca khúc được giới sinh viên, học sinh hát trong các dịp tụ tập, hội hè, nhiều chàng trai cũng sử dụng bài hát để tỏ tình. Ca sĩ Nguyễn Hưng, Bùi Anh Tuấn, Hoài Lâm từng cover ca khúc này nhưng khán giả nhận xét ít ai chạm đến cảm xúc của người nghe như Bằng Kiều.
Thập niên 2000, Bằng Kiều nổi tiếng ở trong, ngoài nước với các hit như Ngõ vắng xôn xao, Linh hồn đã mất, Xin lỗi anh... Trên sân khấu hải ngoại, anh trở thành "người tình âm nhạc" ăn ý của Minh Tuyết. Anh cũng kết hợp thành công với nhiều giọng ca nữ như Hồng Nhung, Hà Trần... Chất lãng mạn, nam tính trong giọng hát, phong cách khiến các màn song ca của anh được nhiều người đón nhận.
Giọng hát, vẻ lãng tử của anh cũng truyền cảm hứng cho nhiều đàn em. Hoàng Hải - ca sĩ triển vọng Sao Mai Điểm hẹn 2006 - từng nói chịu ảnh hưởng lớn từ Bằng Kiều nên bị nhận xét là "bản sao" của anh. Đến nay, trong các cuộc thi âm nhạc như Vietnam Idol, The Voice, nhiều thí sinh chọn cover các ca khúc của Bằng Kiều. Nhạc sĩ Vũ Quang Trung - người từng thực hiện nhiều album cho Bằng Kiều - đánh giá anh là giọng ca có màu sắc riêng, không thể thay thế.
Vài năm gần đây, Bằng Kiều theo đuổi phong cách trầm lắng, điềm tĩnh của một quý ông.
Những năm mới vào nghề, còn tính tự mãn, ngông cuồng của tuổi trẻ, Bằng Kiều luôn muốn khẳng định tài năng. Anh hát thật cao, dài hơi để không ai bắt chước được. Tuổi đời lớn hơn, có nhiều trải nghiệm, khán giả nhìn thấy một Bằng Kiều ngày càng trầm lắng, hạn chế phô diễn kỹ thuật. "Nhiều người vẫn thích Bằng Kiều với chất giọng cao vút của ngày xưa, thậm chí một số khán giả cho rằng tôi mất giọng, không hát được như trước. Thực ra hát cao không khó, hát để đi sâu vào lòng người mới khó", anh tâm sự.
Ca sĩ giữ một nguyên tắc - không hát nhép khi ra sân khấu. Năm ngoái, khi bị mất giọng trong đêm diễn quan trọng, anh xin lỗi khán giả thay vì chọn hát nhép. Để bù đắp cho người hâm mộ, anh nhảy nhót, dẫn chương trình, giao lưu với mọi người. Nhờ vậy, nhiều người bày tỏ cảm thông với anh.
Nhạc sĩ Dương Thụ nhận xét Bằng Kiều hồi trẻ phảng phất chất "bụi bụi". Ở tuổi 46, anh toát ra nét phong thái lịch lãm, chỉn chu. Anh cho biết chăm chút ngoại hình, trang phục hơn mỗi khi lên sân khấu. Ca sĩ thường đóng bộ vest, áo sơ mi nhưng không hề cứng nhắc. Mỗi khi biểu diễn vào các dịp như Quốc tế Phụ nữ 8/3, hay Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, anh luôn thể hiện ưu ái phái nữ. Mỗi khi ca sĩ đi đến từng hàng ghế tặng hoa khán giả, nhiều chị em không kìm nổi xúc động, hô to tên anh. Bằng Kiều cho biết dù từng được nhiều fan nữ tỏ tình, anh trân trọng và giữ khoảng cách nhất định.
Một số khán giả cho biết ngoài giọng hát, họ bị chinh phục bởi cách nói chuyện dí dỏm của nam ca sĩ. Bằng Kiều nói: "Khi giao lưu với khán giả, tôi không bao giờ chuẩn bị kịch bản, dự định trước những điều sẽ tâm sự. Thỉnh thoảng, nếu tôi nói ít đi, chỉ tập trung hát, khán giả sẽ thắc mắc lý do. Tôi nghĩ đến hôm nay, Bằng Kiều chinh phục người nghe bằng sự chân thật".
Hiện tại, Bằng Kiều là tên tuổi ăn khách của các show ca nhạc lớn, nhỏ. Mỗi năm, anh tham gia tổ chức, làm khách mời nhiều chương trình. Sau thời gian định cư ở Mỹ, anh về nước biểu diễn lại từ năm 2012.
Hạnh phúc lớn nhất với Bằng Kiều là cậu con trai cả Beckam đam mê âm nhạc, có năng khiếu nghệ thuật. Năm 2017, Beckam vượt qua hàng nghìn thí sinh, đỗ vào trường Huntington Beach Academy for the Performing Arts, California (Mỹ). Ngoài khả năng chơi đàn guitar, ca hát, Beckam còn biết nhảy hiện đại. Bằng Kiều gần đây thực hiện một số sản phẩm chung với con trai để khích lệ khả năng ca hát của cậu. "Người làm nghệ thuật luôn nhạy cảm, tinh tế với thế giới xung quanh, biết rung động trước cái đẹp. Tôi mừng vì con trai mình nối nghiệp bố, âm nhạc sẽ khơi gợi tình yêu, lòng trắc ẩn trong con", anh nói.
Ca sĩ đang thực hiện một CD mới. Trong đó, anh hát một số ca khúc của các nhạc sĩ Trịnh Nam Sơn, Đức Huy theo phong cách Jazz, acoustic. "Album sử dụng ít nhạc cụ, hướng đến sự giản dị, đúng như lối sống của tôi từ nhỏ. Tôi đam mê âm nhạc nên chỉ cần được ca hát là cảm thấy đủ đầy. Đến thời điểm này, tôi không hối tiếc điều gì, tự thấy may mắn nên luôn được khán giả đón nhận, yêu thương", Bằng Kiều giãi bày.
Hà Thu