"Em là diễm phúc của đời anh", câu nói ấy khắc ghi sâu trong tâm hồn từ khi tôi còn là thiếu nữ tuổi 20.
Anh đến với tôi trong một dịp tình cờ, anh là Việt kiều từ Pháp về. Đó là một chàng trai rất đẹp, cao dong dỏng ở độ tuổi 30. Anh gặp tôi chỉ đúng 10 ngày, nhưng 10 ngày ấy đã in đậm trong trái tim đa sầu đa cảm của tôi mãi đến tận bây giờ. Và niềm mơ ước được gặp lại anh, đến đất nước có anh đang sống cứ khắc khoải trong tôi.
Ngày đầu anh đến tìm tôi trong cơn mưa lất phất, đứng dưới hàng cây dầu cổ thụ, anh đi tới đi lui chờ đợi tôi suốt cả ngày trời, vì tôi bận làm việc. Bác bảo vệ già thấy anh chờ trông rất tội nghiệp, nên bác mời vào phòng tiếp tân và gọi tôi xuống. Mặc dù anh từ chối rất lâu, nhưng bác bảo vệ kiên quyết phải gọi tôi xuống cho bằng được. Gặp anh, tôi rất ngại ngùng vì chưa bao giờ tôi hẹn hò với ai cả. Nhưng anh rất lịch thiệp xin lỗi tôi vì đã làm phiền, anh nói là rất muốn gặp tôi để tặng cuốn sách ảnh anh vừa mang từ Pháp về, khi đó, bác bảo vệ đi ngang qua thấy cuốn sách in phong cảnh nước Pháp rất đẹp, bác ấy thích lắm và bảo là bác từng mơ ước được đến đất nước này, bác bảo tôi hãy nhận đi vì đó là tấm lòng của người phương xa.
Anh rất vui và xin phép ra về với một lời mời tôi và bác bảo vệ ngày hôm sau đi ăn trưa, bác bảo vệ xởi lởi đồng ý. Tôi không kịp phản ứng gì thì anh đã ra về. Sáng hôm sau anh lại đến tiếp tục nửa ngày chờ đợi tôi, bác bảo vệ lấy cớ là bác gái gọi về có chút việc gấp, nên để mình tôi đi với anh. Bữa ăn trưa ở nhà hang gần cơ quan hôm đó như dài vô tận, anh kể tôi nghe cuộc sống vất vả của anh từ bé, anh tự lo lắng cho cuộc sống của mình ở nước ngoài như thế nào, công việc của anh ra sao, đặc biệt là anh không hỏi tôi điều gì cả.
Anh lại mời tôi ăn trưa vào ngày hôm sau nữa, anh bảo anh sẽ kể cho tôi nghe về bảo tàng Louvre – được mệnh danh là thiên đường nghệ thuật, tự dưng tôi cảm thấy rất nóng lòng muốn gặp anh sớm để được nghe anh kể về bảo tàng danh tiếng này, vì tôi có một ước mơ từ sâu thẩm tâm hồn kể từ ngày cô giáo dạy tiếng Pháp lớp 6 kể cho cả lớp nghe về các bức tranh và tượng điêu khắc tuyệt đẹp và huyền ảo ở Bảo tàng Louvre. Tôi nhớ là rất thích thú khi nghe cô kể về nụ cười bí ẩn của nàng Mona Lisa của Leonardo da Vinci (1452–1519), tượng Venus de Milo – bức tượng Hy Lạp cổ đại khắc họa Aphrodid, vị nữ thần của tình yêu và sắc đẹp. Từ đó cô gieo vào tôi niềm mơ ước là được trở thành họa sĩ và tôi đã đậu vào Trường Mỹ thuật và vẽ được tranh theo sở thích của mình, phần còn lại là mơ ước được đến Viện Bảo tàng Louvre tuyệt vời này.
Anh giống như nhà kể chuyện tài ba, cứ mỗi ngày một thứ, anh kể về tác phẩm nghệ thuật và văn học Pháp rất hay, rồi anh kể về các dòng sông tuyệt đẹp và quyến rũ của Pháp. Tôi bị anh cuốn hút tâm trạng vào các câu chuyện mênh mang và đẹp đẽ về đất nước anh đang sống. Tự dưng tôi cảm thấy thật yêu đất nước này. Và 10 ngày nhanh chóng qua đi, anh cũng mời tôi ăn trưa và nói rằng anh sẽ trở lại Pháp, lâu lắm anh mới về nữa.
Khi chia tay, anh nắm lấy tay tôi và bảo: “Em là diễm phúc của đời anh”! Tôi trố mắt ra không hiểu anh nói gì nữa! tôi cũng chẳng hiểu anh nghĩ gì, anh chỉ nắm tay tôi một lần duy nhất. Lần nắm tay ấy là lần đầu tiên cũng là lần cuối.
Tôi khóc nức nở khi bạn thân của anh ở Pháp về kể tôi nghe rằng 10 ngày anh gặp tôi là 10 ngày anh hạnh phúc nhất. Vì anh về quê kỳ đó để xem mắt người vợ tương lai theo ý của ba mẹ của anh - một gia đình giàu có và quyền lực thích cho con đi nước ngoài, nhưng không có cơ hội. Sau khi về Pháp mỗi ngày anh đều xếp hàng để điện thoại về Việt Nam mong được nghe giọng nói của tôi, nhưng khi nối dây gọi được thì đã hết giờ làm việc. (Lúc đó khoảng năm 1990, không có điện thoại di động gọi thoải mái như bây giờ). Anh kiên nhẫn xếp hàng hàng tháng trời để liên lạc với tôi, song vẫn không gặp được. Sau đó anh bị gia đình ép buộc phải lấy vợ gấp, anh không đồng ý và xin lỗi ba mẹ để đi tu. Và rồi… không ai còn liên lạc được với anh nữa.
Anh để lại cho tôi một nỗi trống vắng mênh mang của một thời con gái, và một hình ảnh tuyệt đẹp qua những câu chuyện của anh kể về di sản văn hóa ở một nước Pháp xa xôi nơi có bước chân anh từng đến và đã đi xa mãi mãi.
Hoàng Ngọc Lan