Tết vội vàng đi ngang đầu ngõ, chút chiều vàng bỏ ngỏ bên đàng, bâng khuâng một thoáng chiều cuối năm. Từ bé đến lớn, năm nào tôi cũng đón Tết ở quê ngoại, cứ độ vài tuần gần Tết được nghỉ là gia đình đã chuyển giao cái thằng tôi về ngoại cho mấy dì giữ và đón Tết với họ hàng thân quen. Được về quê ăn Tết trong những ngày cuối năm không gì háo hức, hồ hởi bằng trong tâm hồn một đứa trẻ non nớt lớn, ươm vàng cái bình yên của rơm rạ và tiếng gà gáy mỗi trưa.
Cuối năm, có biết bao nhiêu thứ mà người lớn phải để chuẩn bị mỗi dịp Tết về. Hồi bé nhà ngoại tôi có tục ép cốm, những hạt thóc được mùa rang giòn trong chảo để nổ lục bục thành những hạt trắng xóa như bắp rang bơ bây giờ. Chỗ nguyên liệu ấy sẽ được ngào đường, trộn với gừng cho thơm rồi để vào khuôn ép thành những mẩu cốm vuông vức. Đàn ông trong nhà lãnh phần ép cốm còn đàn bà, con gái và tụi nít nhỏ thì gói cốm và trang trí. Cốm được gói trong những mẩu giấy xanh đỏ, được cắt hoa giấy dán vào và thường được trang trọng để trên bàn thờ cúng ông bà tổ tiên.
Thú vui nhất của con nít là ngồi bên bếp lò xem người lớn tay đảo chảo cốm ngào đường thơm phức, để chờ đợi tới lúc người lớn mỉm cười cho vài vốc nhỏ mà nhâm nhi nóng hổi trong lòng bàn tay. Ở nhà các dì các mợ tôi thì làm đủ thứ loại mứt như mứt dừa, mứt gừng, mứt mãng cầu, mứt chùm ruột... Những cây trái vườn nhà được tuyển lựa từ trước và để dành phần lại trong nhà làm mứt. Tất bận với đủ mọi công đoạn, rộn ràng với mùi hương ngạt ngào lan khắp ngõ mỗi khi xóm có nhà làm mứt, khiến những đứa trẻ đi ngang phải thèm rỏ dãi.
Một điều không thể thiếu vào dịp Tết ở miền Nam là nồi thịt kho hột vịt và măng kho mà nhà nào cũng có. Ngay vào tháng cuối năm đã thấy chộn rộn, người lớn mua măng để dành, dặn những nhà bán thịt trong xóm để lại phần ngon cho mình. Tết ở quê tôi ít nấu bánh chưng, gói bánh thường chỉ những dịp có giỗ, còn chủ yếu vẫn là nồi thịt và măng kho. Ngồi lặng im bên bếp lửa nghe hơi ấm phả ra trong tiết trời se lạnh cuối năm và lắng nghe tiếng sôi sùng sục của nồi thịt là cảm giác bình yên nhất trong tôi ngày ấy. Nồi thịt kho được dùng ăn suốt dịp Tết, hâm đi hâm lại nhiều lần lại càng ngon, càng đậm đà hương vị.
Vào những đêm cận Tết thì bất cứ đâu cũng có chợ Tết, chợ thường diễn ra cả ngày lẫn đêm nhưng vui nhất là đi vào lúc đêm. Trong ánh đèn tù mù vàng của ngọn đèn đường, những ánh mắt, nụ cười ấm hẳn lên và chợ dường như xích lại gần nhau hơn. Tết mà không đi chợ đêm thì chả còn gì vui, nếu không tính được lì xì. Các dì tôi thường hay đi chợ mua hoa, trái cây về đơm bàn thờ. Đôi khi chẳng mua gì cả, đi cho cảm nhận không khí náo nhiệt của phố huyện chỉ có vào mỗi dịp Tết về.
Người lớn thì bận bịu lo việc cúng kiến, lau dọn bàn thờ, lau chùi nhà cửa cho sạch sẽ để đón nhiều điều may mắn vào nhà. Còn tụi con nít trong xóm vào những ngày này bày biết bao nhiêu trò để chơi, khoe nhau quần áo mới mua. Bánh mứt trong nhà thường hay bóc trộm ra chia nhau ăn. Đêm giao thừa ở quê, không có dòng xe cộ rộn rã túa ra đường, cũng không có pháo hoa tưng bừng rực rỡ lóe sáng ngập trời. Chính vì vậy mà tuy là dân thành thị, nhưng mười mấy năm tôi chả biết pháo hoa nó tròn méo như thế nào ngoài xem trên truyền hình.
Tối giao thừa, những anh chị choai choai lớn trong xóm thường tụ tập lại theo thông lệ, làm cái trại nhỏ ngồi đồng trống khi mùa gặt đã hết. Họ đốt lửa lên bập bùng cháy và ngồi quây quần đón chờ cái khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Sau đó là màn tiệc tùng với những gà nhà, chuột đồng được quấn một lớp bùn, một lớp rơm vùi trong đống lửa để nướng. Đến khi chín gỡ lớp bùn ra thì được phần thịt nóng hôi hổi và thơm lựng giữa đồng hoang, chén chê no say thì ngồi ca hát nhảy múa đợi ngày sang. Tôi ít được dịp tham gia những buổi tiệc mừng năm mới ấy của anh chị họ, vì cứ gật gù đã rồi mới chập choạng tối đã lên giường ngủ ngay đơ. Và năm mới trôi qua lúc nào hổng hay.
Tờ mờ sáng mồng một Tết, mọi người trong xóm đã tụ họp lại để đi chơi, thường điểm đến đầu năm là các chùa chiền để lấy lộc và nguyện cầu cho năm mới. Đến chùa núi thì leo qua hàng ngàn bậc thang đá mới lên tới chùa, còn sang chùa hang phải băng qua những bãi đá trong cái nắng gay gắt của miền Trung. Cái không khí tụ hội lại mới thật vui vầy, người lớn thức dậy từ sớm, lũ con nít nghe ngọ nguậy đã bật dậy theo phản xạ. Nhà nhà í ới gọi nhau đi, con nít tranh nhau khoe đồ mới và tiền lì xì. Thường cả xóm thuê vài chiếc xe quen để đi chung, quen dần thành lệ, tiếng cười rơi rớt suốt dọc đường lên tới tận cửa chùa tịch mịch và thinh lặng khói trầm.
Đến bây giờ thì những ký ức của tuổi thơ cũng phai nhạt dần theo năm tháng. Tết nay không còn ai ép cốm để nghe hương ngào ngạt bay trong nhà, ít nhà làm mứt hẳn vì bánh trái đã đủ đầy và thừa mứa rồi. Không còn những dạ tiệc của tụi nhỏ bên ánh lửa bập bùng vì lũ trẻ ngày nào nay đã lớn, không còn cái cảnh sáng sớm cả xóm tụ hội đi chơi với nhau vì xe buýt đã về phố huyện, ai muốn đi lúc nào cũng được.
Ngẫm suốt bao nhiêu năm mới hay, vui nhất không phải dịp Tết mà lại là những ngày nô nức trước Tết. Nơi những bình yên, giản dị len lỏi trong tâm hồn bao người và cứ chầu chực bùng phát, thai nghén dần khi tiếng pháo ai đốt lén đì đùng nổ ngoài đầu ngõ. Tết ở những nơi, dầu thành thị hay nông thôn - nơi nào cũng đọng lại nhiều niềm vui, nhiều nỗi niềm man mác buồn mỗi khi Tết đi qua, để rồi lại mong ngóng những ngày Tết sau...
Từ ngày 15/1 đến hết 1/3, độc giả VnExpress có thể tham gia cuộc thi "Tết và tuổi thơ" để chia sẻ những cảm xúc, kỷ niệm ngày Tết bé thơ đầm ấm bên gia đình. Độc giả bấm vào đây để tham gia. |
Nguyễn Thành Linh