Tại Ngày hội Lựa chọn nguyện vọng xét tuyển đại học, cao đẳng ngày 22/7 ở Hà Nội, một phụ huynh đặt câu hỏi cho ban tư vấn về khác biệt giữa chương trình đại trà (chương trình chuẩn) với chất lượng cao. Theo phụ huynh này, chị sống ở nông thôn, không đủ khả năng chi trả học phí của chương trình chất lượng cao. Tuy nhiên, chị lo lắng con bị thiệt thòi nếu học chương trình chuẩn.
"Chẳng hạn con tôi tốt nghiệp loại giỏi chương trình chuẩn. So với một bạn tốt nghiệp bằng khá, thậm chí trung bình hệ chất lượng cao, con có thua kém hơn không?", chị nói.

Thạc sĩ Phạm Thanh Hà, Phó trưởng phòng Quản lý Đào tạo, trường Đại học Ngoại thương, tại sự kiện sáng 22/7. Ảnh: Thanh Hằng
Trả lời:
Thạc sĩ Phạm Thanh Hà, Phó trưởng phòng Quản lý Đào tạo, trường Đại học Ngoại thương, khẳng định về mặt bằng cấp, chương trình chuẩn tương đồng với chương trình chất lượng cao, đều do trường đại học cấp.
Song, giữa hai chương trình cũng có sự khác biệt. Ví dụ ở trường Đại học Ngoại thương, một số ngành được dạy bằng tiếng Anh. Sinh viên những ngành này sẽ được học với các giáo viên trong và ngoài nước, có điều kiện tiếp cận với các mô hình đào tạo đặc thù. Do đó, học phí hệ chất lượng cao, tiên tiến hay học bằng tiếng Anh thường cao hơn.
Tuy nhiên, bà Hà nói phụ huynh hoàn toàn yên tâm. "Đã đào tạo là phải chuẩn", nên chương trình nào cũng có nguyên tắc và các tiêu chuẩn riêng và các gia đình có thể lựa chọn theo khả năng tài chính của mình.
PGS.TS Nguyễn Phú Khánh, Phó hiệu trưởng trường Đại học Phenikaa, nói thêm rằng ngoài bằng cấp, các doanh nghiệp, nhà tuyển dụng còn lựa chọn ứng viên theo các tiêu chí như kỹ năng mềm, khả năng ngoại ngữ, sự chủ động, thái độ...
"Vì thế, phụ huynh động viên con em chú trọng việc học, đồng thời tận dụng cơ hội để nâng cao kỹ năng mềm. Các em vẫn hoàn toàn có cơ hội bình đẳng như các bạn học chương trình chất lượng cao", ông Khánh nói.
Thanh Hằng