Cơ quan Thời tiết Quốc gia Mỹ (NWS) cho biết cơn bão mới sẽ đổ bộ vào California ngày 11/1, gây ra lượng mưa lên tới 18 cm ở khu vực phía bắc bang, cùng lượng tuyết vài chục cm ở vùng núi Sierrea Nevada.
NWS gọi "hiện tượng sông khí quyển tấn công không ngừng" vào California là hệ thống bão mạnh nhất kể từ năm 2005. Sông khí quyển là dòng hơi ẩm lớn di chuyển trong không khí và thường gây mưa. Hiện tượng này không hiếm vào thời điểm này trong năm, nhưng sông khí quyển lần này kết hợp với hệ thống áp thấp sẽ phát triển thành "bom bão", khi áp suất không khí giảm đột ngột tạo ra cuồng phong.
Thống đốc California Gavin Newsom cho hay ít nhất 34.000 người được lệnh sơ tán. "Chúng ta vẫn chưa hết nguy hiểm. Chúng tôi dự báo bão sẽ kéo dài ít nhất tới 18/1", ông nói. "Ít nhất 17 người đã thiệt mạng".
California liên tục hứng bão từ 4/1. Những trận mưa như trút gây lũ quét, buộc các tuyến cao tốc huyết mạch phải đóng cửa, làm gãy đổ cây cối, cuốn trôi tài xế và hành khách, trong đó có một cậu bé 5 tuổi đang mất tích ở miền trung California.
Mưa và tuyết sẽ tiếp tục trút xuống California, bang đông dân nhất nước Mỹ với dân số hơn 39 triệu người. Khoảng 110.000 hộ gia đình và doanh nghiệp ở California mất điện hôm 10/1.
Thị trấn Montecito, nơi vợ chồng Harry - Meghan đang sinh sống, đối mặt nguy cơ sạt lở đất nghiêm trọng tại vùng đồi núi sau nhiều tuần mưa lớn, khiến người dân phải sơ tán.
"Vùng đồi núi ở ngay phía bên kia nên khi có mưa dễ gây sạt lở đất, vô cùng nguy hiểm", Daniel DeMuyer, cư dân thị trấn, nói. "Đây là cái giá phải trả khi sống ở một nơi đẹp như thế này. Khi trời mưa lớn liên tục, sức tàn phá sẽ vô cùng lớn".
Montecito, nơi có nhiều căn biệt thự trị giá hàng chục triệu USD nằm giữa vùng nông thôn tươi đẹp của California, có nguy cơ sạt lở đất cao vì nằm dưới chân một dãy núi bị hỏa hoạn tàn phá 5 năm trước. Hàng trăm km2 rừng bị thiêu rụi, xóa sổ thảm thực vật giúp giữ đất ở sườn đồi.
Mưa lớn không phải hiện tượng bất thường ở California trong mùa đông, nhưng đang gây thách thức lớn. Đợt bão lũ diễn ra khi phần lớn miền tây nước Mỹ trải qua hơn 20 năm hạn hán nghiêm trọng, các vụ cháy rừng gia tăng về tần suất và cường độ.
Nhưng mưa lớn gần đây cũng không đủ để đẩy lùi hạn hán. Giới khoa học cho hay cần vài năm mưa lớn trên mức trung bình mới đủ để mực nước tại các hồ chứa trong khu vực về lại mức bình thường.
Hồng Hạnh (Theo AFP)