Sau 9 tháng mật phục, cảnh sát Paris đã phá được một băng nhóm móc túi vào tuần trước. Chúng khai nhận kiếm được 4.000 euro (hơn 95 triệu đồng) mỗi ngày nhờ theo sát khách du lịch đến tháp Eiffel. Những kẻ móc túi có độ tuổi từ 17 đến 47, đều mang quốc tịch Romani và hoạt động tại đây 2 năm. Dưới đây là cách thức tinh vi chúng thực hiện thời gian qua:
Đóng giả khách du lịch
Những kẻ móc túi thường cải trang thành khách du lịch để tránh bị nghi ngờ. Chúng thậm chí còn mua vé để lên tham quan tháp. Nhiều người thường cẩn trọng đồ đạc lúc ở dưới chân tháp, nhưng khi lên các tầng cao, du khách đa phần không nghĩ rằng có kẻ xấu lảng vảng quanh đây.
Chiêu chụp ảnh selfie
Các thành viên trong nhóm móc túi thường tìm cách đánh lạc hướng sự chú ý của du khách như giả bộ hỏi han những thông tin vô nghĩa hoặc nói rằng đang cần bạn giúp một việc gì đó. Chúng đôi khi còn cố tình trở thành vật cản khiến họ không thể chụp ảnh selfie. Trong lúc du khách xao lãng hoặc lịch sự chờ khung cảnh thoáng hơn để chụp, đồng bọn của chúng sẽ ra tay cuỗm tiền.
Làm việc nhóm
Nhóm móc túi thường có 3-4 người, trong đó một kẻ sẽ đánh lạc hướng cho những tên còn lại thực hiện hành vi. Khi bạn nhận ra ví mình bị mất thì đã quá muộn. Chúng sẽ chuyền nhau chiếc ví lấy được rất nhanh và bạn sẽ không biết ai trong vô số người lên tháp tham quan là thủ phạm.
Du khách đến từ châu Á là "mồi" ngon
Bọn trộm biết chính xác đối tượng nào có thể móc túi dễ dàng. Các nguồn tin cảnh sát cho biết chúng thường theo đuôi các du khách châu Á - những người có khuynh hướng mang theo nhiều tiền mặt. Du khách châu Á, đặc biệt là người Trung Quốc, từ lâu đã là nạn nhân của các phi vụ này.
Đồng phạm từ bên trong
Mặc dù chưa được xác thực, nhưng nhiều người cho rằng bọn móc túi có đồng phạm ở bên trong các điểm tham quan. Theo như tờ 20 Minutes của Pháp, một bảo vệ ở lâu đài Chateau de Versailles đã bị bắt vào năm 2013 vì đồng lõa với nhóm móc túi để nhận 2.500 euro (khoảng 59 triệu đồng) một tháng.
Di chuyển liên tục
Bọn trộm không có địa chỉ cụ thể ở Paris và thường sống trong khách sạn, hưởng thụ cuộc sống xa hoa với số tiền móc được. Chúng từng chi tới 100.000 euro (gần 2 tỷ đồng) cho một khách sạn ở Paris vào năm 2014.
Chuyển tiền nhanh chóng
Những kẻ móc túi thường không giữ tiền trộm được quá lâu. Chúng sẽ chuyển số tiền đó qua các dịch vụ chuyển tiền quốc tế đến Romani - nơi các tay đầu nậu sẽ đầu tư vào các tài sản khác.
Tường Ý (theo The Local)