Thông tư quy định nội dung chính ghi trên văn bằng và phụ lục văn bằng giáo dục đại học được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 30/12/2019, có hiệu lực từ ngày 1/3/2020.
10 nội dung chính ghi trên văn bằng giáo dục đại học gồm:
1. Tiêu đề: CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
2. Tên văn bằng theo từng trình độ đào tạo (bằng cử nhân, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ, văn bằng trình độ tương đương).
3. Ngành đào tạo.
4. Tên cơ sở cấp văn bằng.
5. Họ, chữ đệm, tên của người được cấp văn bằng.
6. Ngày tháng năm sinh của người được cấp văn bằng.
7. Hạng tốt nghiệp (nếu có).
8. Địa danh, ngày tháng cấp văn bằng.
9. Chức danh, chữ ký, họ, tên đệm của người có thẩm quyền cấp văn bằng và đóng dấu theo quy định.
10. Số hiệu, sổ vào sổ cấp văn bằng.
So với bản dự thảo lần 1, thông tư này có ba sự thay đổi chính trong nội dung ghi trên văn bằng. Nội dung Quốc tịch của người cấp bằng được bỏ trong thông tư chính thức.
Ở mục Tên văn bằng bổ sung cụm từ "văn bằng trình độ tương đương", thay vì quy định bằng cử nhân, bằng thạc sĩ và bằng tiến sĩ. Điều này phù hợp Luật Giáo dục đại học (sửa đổi) có hiệu lực từ 1/7 với quy định "văn bằng giáo dục đại học thuộc hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm bằng cử nhân, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ và văn bằng trình độ tương đương".
Thông tư bổ sung nội dung Hạng tốt nghiệp (nếu có), thay vì không quy định như dự thảo trước đó. Như vậy, bằng đại học do các trường cấp vẫn có thể ghi loại xuất sắc, giỏi, khá, trung bình khá hay trung bình.
Lãnh đạo nhiều đại học trước đó cho rằng quy định bỏ xếp loại trên bằng tốt nghiệp là hướng đi tiến bộ, phù hợp với thông lệ quốc tế nhưng có thể gây khó khăn cho nhà tuyển dụng.
Cũng theo thông tư này, bằng đại học sắp tới sẽ không phân biệt hình thức đào tạo gồm: chính quy, vừa làm vừa học, học từ xa, tự học có hướng dẫn.
Ngoài ra, thông tư còn quy định chi tiết phụ lục văn bằng. Theo đó văn bản này gồm thông tin về người được cấp bằng (họ, chữ đệm, tên, ngày tháng năm sinh); thông tin về văn bằng (tên cơ sở giáo dục đại học cấp bằn, chuyên ngành đào tạo, ngày nhập học, ngôn ngữ đào tạo, thời gian đào tạo, trình độ đào tạo theo Khung trình độ quốc gia Việt Nam, hình thức đào tạo).
Phụ lục văn bằng còn có thông tin về nội dung, kết quả học tập (nếu có); tên học phần hoặc môn học, số tín chỉ của từng học phần hoặc môn học; điểm học phần hoặc môn học, tổng số tín chỉ tích lũy, điểm trung bình, tên và kết quả luận văn, luận án, điểm xếp hạng tốt nghiệp. Trường hợp văn bằng được cấp khi các tín chỉ tích lũy ở những cơ sở đào tạo khác nhau, cần ghi rõ tên môn học, số tín chỉ của từng môn học được công nhận để xét tốt nghiệp và tên cơ sở đào tạo.
Ngoài ra, phụ lục có thêm thông tin kết nối với văn bằng gồm mã số sinh viên, học viên, nghiên cứu viên, số hiệu văn bằng.
Các cơ sở giáo dục đại học được bổ sung nội dung khác ghi trên văn bằng giáo dục đại học phù hợp với quy định của pháp luật. Các trường tự thiết kế mẫu và được bổ sung nội dung khác ghi trên phụ lục văn bằng phù hợp với quy định.