Các mảnh vỡ thuộc về một bức tranh tường được tìm thấy bên trong tàn tích kim tự tháp Las Pinturas tại địa điểm khảo cổ San Bartolo ở rừng rậm phía bắc Guatemala, nơi đã trở nên nổi tiếng với việc phát hiện ra căn phòng chôn cất năm 2001 với những bức tranh tường tinh xảo đầy màu sắc có niên đại khoảng 100 năm trước Công nguyên, mô tả cảnh nghi lễ và thần thoại của người Maya, theo nghiên cứu xuất bản trên tạp chí Science Advances hôm 13/4.
Những nét khắc trên bức bích họa - bao gồm chữ viết Maya cổ đại mô tả số 7 nằm trên đường viền đầu của một con hươu - đại diện cho "7 Deer", một trong 260 ngày của năm theo lịch Maya được sử dụng trên khắp vùng Trung Bộ châu Mỹ.
Phân tích carbon phóng xạ cho thấy hai mảnh vỡ có niên đại ít nhất từ năm 200 trước Công nguyên, biến chúng trở thành bằng chứng lâu đời nhất về lịch Maya từng được khai quật trên thế giới, sớm hơn tới 150 năm so với kỷ lục trước đó.
Tác giả chính của nghiên cứu David Stuart, Giáo sư nghệ thuật Trung Bộ châu Mỹ tại Đại học Texas, mô tả phát hiện này giống như "hai mảnh thạch cao trắng đặt vừa trong lòng bàn tay, từng được gắn vào một bức tường đá".
"Bức tường đã bị người Maya cổ đại phá hủy có chủ đích khi họ sửa sang lại không gian nghi lễ của mình, nơi cuối cùng phát triển thành một kim tự tháp. Hai mảnh vỡ ghép khít với nhau và có chữ khắc sơn đen, mở đầu bằng ngày 7 Deer. Phần còn lại rất khó đọc", Stuart nói thêm.
Lịch là một trong những thành tựu của nền văn minh Maya, bên cạnh hệ thống chữ viết với 800 ký tự, các ngôi đền, kim tự tháp, cung điện, đài quan sát và phương pháp canh tác tinh vi không sử dụng công cụ kim loại hay bánh xe.
San Bartolo là một khu vực trung tâm trong thời kỳ Tiền cổ Maya, kéo dài từ khoảng năm 400 trước Công nguyên đến năm 250 sau Công nguyên. Thời đại này đặt nền tảng cho sự nở rộ của văn hóa Maya trong suốt thời kỳ tiếp theo, được biết đến với các thành phố như Tikal ở Guatemala, Palenque ở Mexico và Copan ở Honduras.
Đoàn Dương (Theo Reuters)