Các nhà khoa học từ Đại học Copenhagen, Đan Mạch hôm 20/6 cho biết đã tìm thấy bằng chứng đầu tiên về khả năng giao phối chéo giữa cá voi trắng và kỳ lân biển. Các phân tích ADN và đồng vị bền trên một hộp sọ cá voi "dị thường" được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Đan Mạch cho thấy mẫu vật thuộc về một cá thể lai giữa hai loài.
Kỳ lân biển và cá voi trắng là hai loài cá voi có răng đặc hữu ở vùng Bắc Cực. Chúng là họ hàng gần nhất của nhau, có kích thước gần tương đương nhưng khác nhau về hình thái và hành vi. Kỳ lân biển đặc trưng bởi chiếc ngà dài, thẳng, có rãnh xoắn ốc và thân hình màu nâu xám. Trong khi đó, cá voi trắng có những chiếc răng hình nón giống nhau, xếp thành hai hàng và con trưởng thành có màu trắng hoàn toàn.
Con lai được xác định là kết quả giao phối chéo giữa một con cá voi trắng đực và kỳ lân biển cái. Hộp sọ nó có nhiều nét tương đồng với cá voi bố mẹ, tuy nhiên, cấu trúc răng của con vật lại có sự khác biệt lớn. Nó có những chiếc răng dài nằm ngang, hình xoắn ốc và không đồng nhất.
"Con cá voi này có bộ răng thật kỳ quái. Các phân tích đồng vị còn cho thấy nó có chế độ ăn hoàn toàn khác so với bố mẹ, nguyên nhân có thể do cấu trúc răng ảnh hưởng đến cách tìm kiếm thức ăn của nó. Con vật săn mồi ở các cột nước sâu hoặc bên dưới đáy biển", Tiến sĩ Mikkel Skovrind từ Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Đan Mạch, đồng tác giả của nghiên cứu cho biết.
Các nhà khoa học chưa xác định được nguyên nhân thúc đẩy hai loài giao phối với nhau. Đây là một hiện tượng mới, chưa từng được quan sát hay ghi lại trước đây. Phát hiện của nhóm nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Scientific Reports.
Đoàn Dương (Theo Phys)