Các nhà khoa học phát hiện chuyến săn mồi hụt của bọ cạp biển cách đây 450 triệu năm trong lúc nghiên cứu hóa thạch bọ ba thùy Dalmanitina socialis, Science Alert hôm 21/7 đưa tin. Hóa thạch này nằm trong bộ sưu tập của Viện Khảo sát Địa chất Czech từ năm 1846 nhưng đến nay mới được phân tích kỹ lưỡng. Nghiên cứu mới xuất bản trên tạp chí International Journal of Paleopathology.
Dù hóa thạch bọ ba thùy chỉ còn lại phần đầu, nhóm chuyên gia vẫn tìm được những dấu vết cho thấy nó đã may mắn thoát khỏi cuộc tấn công của bọ cạp biển. Bọ ba thùy từng bị hỏng một mắt nhưng vẫn sống sót, thậm chí còn mọc lại mắt thay thế. "Mắt mới dịch xuống phía sau, có hướng khác và sự phân bố thủy tinh thể khá kỳ lạ nhưng vẫn là một cơ quan hoạt động được", nhóm nghiên cứu cho biết.
Trong Đại Cổ sinh, trước khi sự kiện đại tuyệt chủng diễn ra khiến đa số loài vật trên Trái Đất biến mất, bộ Bọ cạp biển (Eurypterids) là những kẻ săn mồi đáng sợ dưới đáy biển. Chúng là động vật chân khớp giống bọ cạp, có nhiều kích thước, từ lớn bằng bàn tay đến bằng cơ thể người. Với chúng, bọ ba thùy là nguồn thức ăn dễ dàng và dồi dào.
Hóa thạch bọ ba thùy với mắt bị thương rất hiếm, có thể vì hầu hết đã bị kẻ săn mồi ăn thịt. Thế giới mới chỉ ghi nhận rất ít trường hợp như vậy, ví dụ hóa thạch bọ ba thùy 465 triệu năm tuổi phát hiện ở Na Uy năm 2017 có những vết thương ở đầu và mắt hỏng giống như do chiếc mỏ nhọn của động vật chân đầu gây ra.
Động vật chân đầu ngày nay, ví dụ bạch tuộc, có thể đâm thủng mắt cua. Nhưng con mắt bị hỏng của hóa thạch bọ ba thùy ở Czech không có dấu vết bị đâm thủng. Điều này cho thấy thủ phạm là sinh vật khác.
Các chuyên gia cho rằng khả năng cao nó đã đụng độ với bọ cạp biển. Càng của bọ cạp biển có thể đã gây ra những vết trầy xước trên vỏ bọ ba thùy và làm hỏng một con mắt của nó. Kẻ săn mồi có thể thuộc liên họ Pterygotioid với những thành viên dài đến hơn 2 m.
Thu Thảo (Theo Science Alert)