Người gửi: Hoàng Thanh Linh
Trước một nghề nghiệp và ngưỡng cửa đại học, ai cũng có lúc phân vân, lựa chọn nhưng trong một số trường hợp, không phải ai cũng được quyền quyết định. Trong chúng ta, không ai hoàn hảo, không ai có tất cả cho mình. Vì vậy, cũng với vấn đề tranh cãi giữa bằng cấp và năng lực, tôi chọn bằng cấp.
Tôi ghét những người chỉ nói suông về năng lực. Tôi không tán đồng với những kiểu học chay. Nhưng tôi đồng tình với sự khẳng định bản thân trong bằng cấp. Các bạn đọc đến đây chắc sẽ nghĩ rằng tôi quá đề cao bằng cấp. Thực ra, vấn đề chính là ở đấy.
Bản thân tôi chỉ vừa qua tuổi 20, tôi hiểu thế nào là sức trẻ, là cống hiến, là niềm tin. Tôi không cho rằng mình có nhiều thứ để tôi đủ tự cao nhưng tôi vẫn hài lòng vì mình vẫn chưa nản chí trên con đường tìm kiếm năng lực bản thân. Đó là một chặng đường dài cần có cả sự góp mặt của bằng cấp.
Tôi tán đồng với ý kiến về quan niệm bằng cấp và năng lực. Bằng cấp rõ ràng không nói lên tất cả nhưng thiếu nó, thử xem, bạn nói bạn có gì? Chúng ta học, làm việc, trải nghiệm... chẳng qua cũng chỉ là bước đi trên con đường đời, có khác chăng là khác ở cách đi và hành trang mang theo là gì mà thôi.
Sinh ra trong một gia đình khó khăn, đơn chiếc. Một mình mẹ tôi đã vất vả làm đủ mọi công việc để nuôi chúng tôi khôn lớn. Chúng tôi luôn được mẹ dạy rằng: "Để thoát nghèo, tránh khổ, chỉ có con đường học mà thôi". Và từ đó, mẹ luôn tạo mọi điều kiện cho chúng tôi được học, thích học gì, mẹ cũng chắt chiu cho học.
Chúng tôi đã từng ngày lớn lên như thế trong tình thương của mẹ. Mẹ cũng gánh chịu tan vỡ khi bố chúng tôi quá định kiến về bằng cấp và năng lực. Bố luôn là một người tài giỏi, đầy năng lực nhưng không bằng cấp nào chứng minh cho ông những tài năng ấy. Ngược lại, mẹ chúng tôi cũng vì thương con nhỏ dại mà bỏ qua nhiều cơ hội đạt được bằng cấp giá trị với nghề nghiệp của mình.
Từ câu chuyện cuộc đời, tôi tự dặn lòng phải học cho ra bằng ra cấp. Giờ tôi đã là một giáo viên và mong muốn trở thành giảng viên đại học. Tôi cho rằng chẳng có gì phi thực tế bằng việc không dám ước mơ. Những bằng cấp tôi có được chẳng là gì cả, đơn giản, tôi hiểu nó cũng chẳng có nhiều cơ hội được dùng đến.
Thế nhưng, tôi vẫn không nản chí. Tôi đã học 2 bằng đại học và sắp tới là thêm một bằng cao học. Không dừng lại, tôi sẽ tiếp tục lựa chọn một định hướng mới với một bằng đại học thứ 3. Bằng cấp, mãi mãi là tấm giấy nhưng là bệ đỡ cho năng lực đấy bạn.
Chúng ta dùi mài học tập, có được vô số bằng nhưng lại chẳng có chút năng lực nào, hẳn chúng ta đã hiểu kết quả. Tôi trọng bằng cấp và tôi đã học để có được nó bằng niềm tin bản thân và hy vọng của Mẹ. Tôi chưa bao giờ hết vui mừng cho mỗi tấm bằng mà mình đạt được vì tôi chưa bao giờ lấy được nó với sự dễ dàng. Khó khăn có, thử thách có, tủi nhục cũng có... Những thứ đó đã rèn bản lĩnh để tôi chứng minh rằng tấm bằng là hiện hữu của năng lực. Chính vì vậy, tôi rất sợ thời gian quá ngắn ngủi, không đủ cho tôi chiếm lĩnh mọi tri thức, tích lũy kinh nghiệm.
Đến đây các bạn cũng hiểu bằng cấp hay năng lực, cái nào cần thiết hơn rồi. Chính vì không bằng cấp, bố tôi vẫn chỉ là một nhân viên làm công. Chính vì không bằng cấp, mẹ tôi đã bỏ lỡ nhiều cơ hội thăng tiến trong đời. Bây giờ, tôi cũng không muốn rằng: Chính vì không bằng cấp, tôi không làm được gì cho cuộc đời, gia đình và xã hội.
Với tôi, bằng cấp là điểm tựa cho năng lực phát triển trên đòn bẩy của mình.