Bang Uttar Pradesh với dân số hơn 240 triệu người, lớn hơn dân số Brazil, tuần này công bố dự thảo luật quy định bất kỳ cặp vợ chồng nào sinh nhiều hơn hai con đều bị cắt phúc lợi, trợ cấp và việc làm. Chính quyền bang cũng khuyến khích chồng hoặc vợ tự nguyện triệt sản sau khi sinh đủ hai con.
Đảng Bharatiya Janata theo chủ nghĩa dân tộc Hindu (BJP) đang nắm quyền lãnh đạo bang Uttar Pradesh và cũng lãnh đạo trong chính quyền trung ương. Thủ hiến Yogi Adityanath được coi là một trong những chính trị gia theo chủ nghĩa dân tộc cứng rắn nhất trong đảng và nhiều khả năng tái tranh cử trong bầu cử cấp bang năm tới.
Chính quyền bang cho biết dự luật được đưa ra do "hạn chế về sinh thái và nguồn lực kinh tế đang cận kề", buộc họ phải hành động để đảm bảo cung cấp các nhu cầu cơ bản cho tất cả người dân.
Bang Assam phía đông bắc, do BJP lãnh đạo, tháng trước công bố kế hoạch tương tự, quy định cắt trợ cấp đối với các gia đình sinh con thứ ba và bang Gujarat, cũng dưới sự lãnh đạo của BJP, được cho là đang xem xét dự luật tương tự.
Khi các phiên họp quốc hội bắt đầu vào tháng này, một số nghị sĩ BJP cũng dự kiến nêu ra các dự luật kiểm soát dân số.
Dù Ấn Độ dự kiến vượt Trung Quốc trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới trong thập kỷ tới, nhiều người nghi ngờ sự cần thiết và động cơ của chính sách hai con được đề xuất ở một số bang. Uttar Pradesh có dân số đông nhất, nhưng nghiên cứu cho thấy tỷ lệ sinh ở bang này đã giảm gần một nửa từ năm 1993 đến năm 2016 và đang tiếp tục giảm. Theo dự đoán, đến năm 2025, số con trung bình của mỗi bà mẹ sẽ giảm xuống còn 2,1. Xu hướng giảm tương tự đang được ghi nhận trên khắp Ấn Độ.
Báo cáo Điều tra Sức khỏe Gia đình Quốc gia năm 2020 cho thấy tổng tỷ suất sinh, tức số trẻ em được sinh ra trên một phụ nữ, đã giảm ở 14 trong số 17 bang và hiện ở mức 2,1 trẻ trở xuống. Đề xuất của một số bang BJP bị coi là mang động cơ chính trị và nhằm thu hút cử tri đạo Hindu, đặc biệt ở Uttar Pradesh, nơi diễn ra bầu cử cấp bang năm tới.
Ở Uttar Pradesh và các bang như Assam, nơi có đông người theo đạo Hồi, dù không có cơ sở nhưng nhiều người vẫn tin rằng các gia đình Hồi giáo đang sinh đẻ quá nhiều, sử dụng hết các nguồn tài nguyên quý giá và khiến dân số theo đạo Hindu nguy cơ trở thành thiểu số.
Chính sách hai con được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau ở 12 bang trên khắp Ấn Độ, nhưng 4 bang sau đó đã thu hồi. Các nhà vận động cảnh báo chính sách này ảnh hưởng đến phụ nữ, đặc biệt các bà mẹ đơn thân, và kêu gọi chính quyền tập trung vào các biện pháp tránh thai, giáo dục để kiểm soát dân số.
Huyền Lê (Theo Guardian)