Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường qua đời ngày 24/7, ở tuổi 86, sau khi vợ ông - nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ - mất hôm 6/7 ở tuổi 74. Ngày 30/7, tro cốt vợ chồng nhà văn được đưa từ TP HCM ra Huế và tổ chức lễ tang tại trụ sở Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật, nơi họ từng công tác.
Tối 31/7, các văn nghệ sĩ, trí thức tề tựu ôn những câu chuyện văn chương, nhắc lại kỷ niệm với đôi vợ chồng. Sau khi dâng hương tưởng nhớ người đồng đội từng tham gia kháng chiến, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, nguyên Trưởng ban Tư tưởng văn hóa Trung ương, viết trong sổ tang:
"Nhớ những ngày kháng chiến
Cùng ngồi trên núi Kim Phụng
Nhìn về Huế
Chúng ta nói với nhau
Mong ngày đất nước thanh bình là về với Huế
Hơn 50 năm, cứ thế đi mãi
Người Nam kẻ Bắc
Bây giờ anh chị lại về
Nghỉ lại trên những dãy đồi ngày xưa
Ôm mãi giấc mơ thanh bình cho Huế
Khi lòng mình còn xót xa..."
Nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế, nói nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường xứng đáng với danh xưng "Người lập ngôn cho văn hóa Huế". Ông cho rằng có rất nhiều tác giả viết về sông Hương, thế nhưng phải đến khi bút ký Ai đã đặt tên cho dòng sông ra đời, người ta mới có dịp nhận ra vẻ đẹp của sông Hương một cách trọn vẹn.
"Ông là người đầu tiên nói cho mọi người biết sông Hương là 'bản trường ca của rừng già', là 'cô gái Di-gan phóng khoáng và man dại', là 'người mẹ phù sa của một vùng văn hóa xứ sở', 'người gái đẹp nằm ngủ mơ màng giữa cánh đồng Châu Hóa đầy hoa dại được người tình mong đợi đến đánh thức', 'điệu slow tình cảm dành riêng cho Huế', là 'dòng sông của thời gian ngân vang, của sử thi viết giữa màu cỏ lá xanh biếc'... Những gì ông kể về sông Hương đều đẹp đến bất ngờ, đến lạ lùng, và vô cùng xao xuyến", nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc nói.
Hồ Đăng Thanh Ngọc cũng cho rằng nhà vườn Huế có từ hàng trăm năm trước, nhưng đến khi bút ký Hoa trái quanh tôi ra đời, người ta mới nhận ra hệ thống văn hóa, triết lý của nó. Hoàng Phủ Ngọc Tường nhận chân giá trị thiên nhiên Huế trong cuộc sống con người nơi đây.
"Với thi ca, ông là người trả lại cho thơ không gian cội nguồn, đó là nỗi buồn viết hoa. Ông tuyên ngôn về 'quyền được buồn' của nhà thơ. Cũng như ông tự nhận là 'Người ham chơi' để tôn xưng cho vẻ đẹp hành trạng của thi nhân. Thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường để lại trong tim người đọc vẻ đẹp của nỗi buồn, 'buồn đến đứt ruột', buồn như thiên sứ, buồn như định mệnh", Hồ Đăng Thanh Ngọc nhận định.
Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm nhận định nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường là một tri thức yêu nước, một trong những người quan trọng của phong trào đấu tranh đô thị Huế. Ông nhắc lại những kỷ niệm cùng nhà văn khi tham gia chiến đấu và sáng tác. Nguyễn Khoa Điềm cho rằng vợ chồng Hoàng Phủ Ngọc Tường - Lâm Thị Mỹ Dạ đã để lại những kỷ niệm khó quên đối với mọi người.
"Anh Hoàng Phủ Ngọc Tường là một người rất giản dị, chân thành. Anh cùng đi hái rau rừng, thậm chí khi di chuyển cơ quan, anh vận động chị nuôi giao cho anh cái xoong rất to để anh gùi như một con rùa. Đó là một con người hết sức chân thành với cuộc chiến đấu của mọi người", nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm nói.
Ông cũng cho rằng vợ chồng văn sĩ là những tài năng văn học, vượt ra bên ngoài Việt Nam. Nhiều nhà thơ Mỹ thích tính nữ trong thơ của Lâm Thị Mỹ Dạ. Tiễn biệt bạn văn, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đọc bài thơ mà ông sáng tác 50 năm trước khi chia tay nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường và những người bạn chiến đấu ở Tây Trường Sơn.
Nhạc sĩ Lê Phùng, nguyên Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế, đàn hát ca khúc Kinh cầu trong mưa, nhớ lại cơ duyên gặp cố nhà văn bên sông An Cựu mùa nước lũ. Bài hát được phổ theo lời thơ của Hoàng Phủ Ngọc Tường, sáng tác lúc nước lũ tràn về sông An Cựu 35 năm trước.
Trong đêm tưởng nhớ, nhiều tác phẩm của vợ chồng nhà văn như Khúc hát ru người mẹ trẻ, Tình ca mặt trời, Một ngày bỗng nhớ một ngày, Về chơi với cỏ được các văn nghệ sĩ thể hiện.
Theo chương trình tang lễ, ngày 1/8, tro cốt vợ chồng cố nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường sẽ được an táng tại Nghĩa trang phía Bắc ở phường Hương Hồ, TP Huế. Nghĩa trang này nằm gần núi Kim Phụng, nơi xưa kia nhà văn từng hoạt động kháng chiến.
Hoàng Phủ Ngọc Tường sinh năm 1937 ở Huế, quê gốc ở Quảng Trị. Ông tốt nghiệp Đại học Sư phạm Sài Gòn, sau đó học thêm bằng cử nhân triết ở Đại học Văn khoa Huế. Ông dạy ở trường chuyên Quốc học Huế giai đoạn 1960-1966. Nhà văn tham gia hoạt động văn hóa, văn nghệ trong kháng chiến chống Mỹ. Năm 1978, ông được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam.
Ông từng là Tổng thư ký Hội Văn học nghệ thuật Bình Trị Thiên - Huế, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Bình Trị Thiên, Tổng biên tập tạp chí Cửa Việt. Năm 2007, ông được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Nhà văn thành công với thể loại bút ký.
Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là Ai đã đặt tên cho dòng sông, viết ở Huế năm 1981, từng được đưa vào giảng dạy trong chương trình ngữ văn phổ thông. Bài bút ký thể hiện phong cách tài hoa, uyên bác, lối viết giàu chất thơ của Hoàng Phủ Ngọc Tường, được đưa vào đề thi tốt nghiệp năm 2019.
Lâm Thị Mỹ Dạ sinh năm 1949, quê ở huyện Lệ Thủy, Quảng Bình. Bà làm việc tại Ty văn hóa Quảng Bình, năm 1978 đến 1983 học Trường viết văn Nguyễn Du. Sau bà làm phóng viên, biên tập viên Tạp chí Sông Hương của Hội liên hiệp Văn học nghệ thuật Thừa Thiên Huế. Bài thơ Khoảng trời, hố bom của bà từng được đưa vào giảng dạy trong chương trình ngữ văn cấp ba.
Võ Thạnh