Buổi trò truyện quy tụ nhiều gương mặt văn chương, do nhà văn Di Li chủ trì. Bà Vũ Phương Liên, giám đốc công ty sách Liên Việt, giới thiệu cuốn sách đơn vị mới ấn hành, mang tên Về Nguyễn Huy Thiệp. Sách tập hợp 34 bài viết của các nhà văn, nhà phê bình, nhà báo về cố tác giả.
Các diễn giả phân tích nét đặc sắc của cuốn sách cũng như nhiều bài viết về Nguyễn Huy Thiệp được chọn lọc trong đó. Mở đầu là bài viết của Giáo sư Hoàng Ngọc Hiến - Tôi không chúc bạn thuận buồm xuôi gió - viết năm 1987, là lời giới thiệu cho tập truyện ngắn Tướng về hưu. Sách khép lại với bài Nói chuyện một mình - bài phỏng vấn tự hỏi đáp và độc thoại Nguyễn Huy Thiệp viết trước Tết Âm lịch năm 2020, khi chưa bị tai biến. Nhóm biên soạn cũng in bài điếu văn tiễn đưa cố nhà văn của ông Nguyễn Quang Thiều, tái hiện trọn vẹn, sinh động cuộc đời văn chương Nguyễn Huy Thiệp. Trong đó, ông được tôn vinh là "ông vua không ngai trong thế giới truyện ngắn hiện đại". Ngoài ra, ảnh hưởng lớn lao của Nguyễn Huy Thiệp với văn học được phân tích qua các bài viết của nhà phê bình Thụy Khuê, Nguyễn Hữu Sơn, Nguyễn Thị Minh Thái, nhà văn Nguyên Ngọc, Lê Minh Hà, nhà thơ Nguyễn Duy.
Phụ bản sách tập hợp tranh, ảnh, di bút của tác giả, gồm những bức hình chụp nhà văn cùng bạn bè, một số tác phẩm gốm của ông và thơ, tranh ông sáng tác khi nằm trên giường bệnh. Bà Vũ Phương Liên gọi cuốn sách là "nén tâm hương" những người ở lại thắp cho ông. Ông qua đời hôm 20/3, thọ 71 tuổi.
Bạn văn nhớ con người Nguyễn Huy Thiệp trong văn chương và đời thường. Nguyễn Quang Thiều, Ngô Văn Giá nhận định Nguyễn Huy Thiệp tôn thờ sự thật. Nguyễn Quang Thiều nói: "Bằng văn chương, Nguyễn Huy Thiệp đã bảo vệ nhân tính, nhân cách con người theo cách của ông. Ông tìm cách mổ xẻ đến tận cùng những điều tồi tệ để mỗi người có thể nhận ra và vượt qua nó".
Nhà văn Võ Thị Xuân Hà cho biết khi xuất hiện trên văn đàn năm 1987, các tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp tác động mạnh mẽ vào tư tưởng giới học sinh, sinh viên. Lúc đó, chị đang là sinh viên Trường Viết văn Nguyễn Du (giờ là khoa Sáng tác, Đại học Văn hóa Hà Nội), say mê tìm đọc truyện ngắn của ông. "Tác phẩm của ông lúc ấy gióng hồi chuông cảnh tỉnh về những giá trị đạo đức thời kỳ Đổi mới", chị Xuân Hà nói. Chị góp một bài trong cuốn sách, có tên Nguyễn Huy Thiệp - minh triết cả khi giã biệt cõi sống.
Các nhà văn cũng bàn về sự lan tỏa văn chương Nguyễn Huy Thiệp ở nước ngoài. Tướng về hưu của ông từng được dịch sang tiếng Pháp, Thuỵ Điển, Hàn Quốc, Hungary. Anh Phan Anh Sơn - Việt kiều Hungary - cho biết Nguyễn Huy Thiệp là cây bút anh tự tin giới thiệu cho bạn bè quốc tế.
Ra mắt sách trên ứng dụng trực tuyến, các nhà văn gặp nhiều khó khăn do không thành thạo công nghệ. Buổi trò chuyện hai tiếng nhiều lần gián đoạn do âm thanh, đường truyền kém. Nhà văn Nguyễn Quang Thiều tiếc vì không được tụ họp bạn bè dịp kỷ niệm 100 ngày mất Nguyễn Huy Thiệp, nhưng cảm thấy an ủi phần nào khi mọi người gác công việc để trò chuyện online cùng nhau. Theo ông, các nhà làm văn hóa nên chú ý, khuyến khích hình thức ra mắt sách trực tuyến thời dịch.
Hà Thu