Sau khi phân tích khác biệt giữa trường chọn ở Anh và trường chuyên ở Việt Nam, TS Nguyễn Tiến Việt, chuyên gia kinh tế đang công tác tại một trường đại học ở Anh, chia sẻ quan điểm về vấn đề tài chính và tư nhân hóa trường chuyên.
Ngân sách cho trường chuyên: Hiệu quả và bình đẳng?
Giáo dục công sử dụng ngân sách để đầu tư phát triển "nguồn vốn nhân lực" cho xã hội và nền kinh tế. Nếu thừa nhận học vấn là một loại năng lực và năng lực này khác biệt ở mỗi đứa trẻ, việc phân chia trẻ dựa vào khả năng và nhu cầu phát triển học vấn giúp giáo dục hiệu quả hơn nhờ chuyên môn hóa và lợi thế theo quy mô.
Đầu tư quá nhiều vào một trẻ không có nhu cầu hoặc khả năng phát triển học vấn tương xứng, hoặc quá ít cho trẻ có nhu cầu và khả năng cao đều gây lãng phí. Đây là cơ sở lý luận cho việc ưu đãi trường chuyên so với các trường công khác. Tuy nhiên, lập luận về tính hiệu quả này có vài khiếm khuyết như sau.
Một là, nó giả định việc tuyển sinh trường chuyên là hiệu quả trong việc phân loại năng lực trẻ. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào sự công tâm, khoa học của các hình thức tuyển đầu vào trường chuyên mà trên thực tế tồn tại rất nhiều bất cập trong điều kiện xã hội Việt Nam. Ngoài ra, nó liên quan đến rất nhiều câu hỏi chuyên môn: Ở độ tuổi nào phù hợp đánh giá thiên hướng học vấn của trẻ và phải đánh giá nó như thế nào?
Hai là nó giả định mọi năng lực đều được khuyến khích phát triển. Nghĩa là với trẻ hạn chế trong năng lực học vấn, xã hội đầu tư nhiều hơn để phát triển năng lực nổi trội khác như nghệ thuật, thẩm mỹ, kinh doanh... Việc tổ chức trường chuyên sẽ đặt hệ thống giáo dục trước câu hỏi: Liệu sự phân loại năng lực học vấn có khiến đứa trẻ nào bị bỏ lại phía sau vì năng lực nổi trội của chúng chưa được phát hiện và đầu tư tương xứng hay không?
Những người tin vào bình đẳng kết quả cho rằng trường chuyên ở Việt Nam và trường chọn ở Anh bất công vì có những đứa trẻ được hưởng nhiều ngân sách hơn bạn bè. Trong khi đó, những người tin vào bình đẳng cơ hội (*) cho rằng trường chuyên và trường chọn công bằng chừng nào việc tuyển sinh hoàn toàn chỉ phụ thuộc vào năng lực của trẻ mà không phụ thuộc vào các yếu tố xuất thân như địa vị, sắc tộc, màu da, giới tính, gia cảnh...
Mỗi một niềm tin thuần túy trên đây đều có khiếm khuyết của riêng nó.
Quan niệm bình đẳng kết quả tương đối lỗi thời vì không thực tế với hoàn cảnh xã hội đương đại, là một ý tưởng đẹp nhưng viển vông. Tuy nhiên, các triết lý về bình đẳng kết quả lại rất hấp dẫn bình dân đại chúng, là công cụ hữu hiệu để tập hợp sự ủng hộ số đông.
Quan niệm bình đẳng cơ hội (*) nghe có vẻ hợp lý, nhưng lại ẩn chứa bên trong đó những hạt nhân của sự vô cảm, thiếu tình người. Chúng ta không thể tách biệt hoàn toàn năng lực và yếu tố xuất thân. Liệu có thể ngăn cấm gia đình có điều kiện đầu tư cho con phát triển thể chất, trí tuệ? Liệu có nên (và có thể) cấm dạy thêm, học thêm và gia sư? Việc buộc một đứa trẻ thiếu thốn điều kiện cạnh tranh sòng phẳng với một đứa trẻ gia đình có điều kiện là một sự bất nhẫn lạnh lùng.
Ở Anh, hai quan niệm này được dung hòa bằng các cách khác nhau: hoặc cấp thêm tiền cho trường chọn để họ dành riêng một phần chỉ tiêu cho con em gia đình hoàn cảnh hoặc bổ sung ngân sách cho tất cả trường công để họ phát triển năng lực cá biệt cho mỗi trẻ bên cạnh chương trình phổ thông đại trà.
Tư nhân hóa trường chuyên?
Việc tham gia của tư nhân vào giáo dục nói chung và giáo dục phổ thông nói riêng là điều nên làm vì huy động thêm nguồn lực giáo dục. Thêm vào đó, khu vực tư nhân sử dụng nguồn vốn hiệu quả hơn, có thể kỳ vọng đóng góp vào việc đáp ứng nhu cầu giáo dục tốt hơn và cung cấp sản phẩm giáo dục đa dạng hơn.
Tuy nhiên, khu vực tư nhân không có động lực đảm bảo tính công bằng xã hội. Vì thế, nhà nước không thể từ bỏ vai trò chủ đạo trong đào tạo bắt buộc và đào tạo phổ thông (kể cả ở các nước tư bản). Việc tư nhân tham gia đào tạo chất lượng cao (và thu phí cao) vừa nâng cao tính hiệu quả, vừa thúc đẩy sự công bằng xã hội vì thu hút bớt nhu cầu giáo dục của gia đình thượng lưu, tạo nhiều cơ hội hơn cho con em gia đình trung lưu và yếu thế tiếp cận các trường chuyên công lập.
Tuy nhiên, nhân danh công bằng xã hội để bán trường chuyên công lập cho tư nhân là một ý tưởng khôi hài, kể cả khi giả định hệ thống thể chế giám sát là hoàn toàn liêm chính và minh bạch. Cái cần hỗ trợ khu vực tư nhân là cởi trói cơ chế chính sách và môi trường cạnh tranh lành mạnh chứ không phải ưu đãi đất, vốn, nhân lực hay tài sản vô hình giống như tư duy ưu đãi cho các tập đoàn nhà nước thập kỷ trước.
Vấn đề học bạ toàn điểm 10 xếp hàng trước cổng trường chuyên và các bức xúc xung quanh lẽ ra cần diễn giải tường minh như sau:
Một là đang thiếu hụt trầm trọng nguồn cung cho nhu cầu đào tạo phổ thông chất lượng cao. Hai là trẻ từ các gia đình trung lưu hoặc khó khăn ngày càng khó tiếp cận trường chuyên và các hình thức đào tạo chất lượng cao khác. Ba là cần xem xét, đánh giá lại phương thức tuyển sinh vào trường chuyên để đảm bảo công bằng xã hội và nâng cao hiệu quả giáo dục.
Bốn là hệ thống giáo dục phổ thông chưa theo kịp sự phát triển của xã hội, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển các năng lực khác ngoài học vấn của trẻ nhỏ. Nhiều năng lực bị xem nhẹ ngày nay sẽ thiếu hụt cho sự phát triển kinh tế tương lai ví dụ kinh tế sáng tạo, kinh tế số... Năm là cần xem xét lại nhu cầu đào tạo năng khiếu trong hệ thống trường chuyên. Trong bối cảnh hiện đại, đào tạo phổ thông chất lượng cao trong hệ thống công lập không nhất thiết gói gọn trong mục tiêu đào tạo năng khiếu và cần được mở rộng nội hàm.
Nếu diễn giải vấn đề một cách tường minh như vậy, các nhà quản lý sẽ dễ dàng tìm được một giải pháp Pareto gia tăng phúc lợi xã hội tổng thể mà không phải hy sinh lợi ích của một số cộng đồng cho lợi ích riêng của một nhóm nhỏ.
*Nhằm đơn giản hóa vấn đề học thuật, bài viết này sử dụng khái niệm bình đẳng cơ hội hình thức (formal equality of opportunity) khi so sánh đối lập với bình đẳng kết quả (equality of outcomes). Các phê phán trong bài cho hình thức bình đẳng này không hàm ý áp dụng cho tất cả các hình thức bình đẳng thực chất (substantive equality of opportunity). Khái niệm bình đẳng nói chung và bình đẳng cơ hội nói riêng là một lĩnh vực chưa đạt được đồng thuận trong giới nghiên cứu và đang tiếp tục phát triển.
Nguyễn Tiến Việt