“Chúng tôi tự chọn bảng đấu không phải vì muốn giành chiến thắng. Điều này tốt cho sự phát triển của bóng đá khu vực”, ông Sieh Kok Chi, Tổng thư ký Uỷ ban Olympic Malaysia, thành viên Ban tổ chức SEA Games 29 chia sẻ với VnExpress.
Ông cho biết trước khi gửi luật sơ bộ cho Liên đoàn bóng đá các nước trong khu vực Đông Nam Á, Ban tổ chức SEA Games 29 đã nhận được sự đồng thuận của Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC). "Trong quá khứ, chủ nhà Việt Nam tại SEA Games 22 hay Indonesia tại SEA Games 26 cũng được chấp thuận cho tự chọn bảng đấu", ông Sieh Kok Chi tiết lộ.
Năm 2003, Việt Nam chọn cùng bảng với Thái Lan để tránh đối thủ này tại bán kết. Tuy nhiên, thời điểm đó hai bảng đều có bốn đội, không một bảng năm, một bảng sáu như hiện tại.
Trong điều lệ sơ bộ gửi các quốc gia khu vực mới đây, Malaysia được quyền chọn bảng đấu. Điều này mang lại lợi thế lớn cho chủ nhà SEA Games 29 bởi họ có thể tránh được bảng đấu mạnh, hoặc chọn bảng chỉ có năm đội để đá ít hơn một trận, giữ sức cho bán kết.
Hàng loạt Liên đoàn bóng đá trong khu vực như Việt Nam, Indonesia, Myanmar, Lào... vì vậy đã gửi thư phản đối chủ nhà Malaysia được chọn bảng đấu tại SEA Games 29. Tuy nhiên, ông Sieh Kok Chi nói thêm: “Các nước sẽ không phản đối được. Từ trước, sân chơi SEA Games đã có luật chủ nhà được quyết một số điều. Thêm vào đó, việc chủ nhà được chọn bảng đấu đã có tiền lệ”.
Trên thực tế, những năm gần đây hai đội nhất và nhì tại kỳ SEA Games trước được chọn làm hạt giống hai bảng. Các đội sau đó sẽ phân cặp, bốc thăm chọn vị trí cho mình.
Ngày 3/7 tới, các Uỷ ban Olympic sẽ họp tại Malaysia. Tuy nhiên, phía chủ nhà SEA Games 29 khẳng định việc các nước có đưa ra phản đối cũng không thay đổi được gì.
Lâm Thoả