Đó là khi Bộ trưởng Giao thông yêu cầu tài xế hãng này phải trải qua 35 giờ đào tạo, như với taxi truyền thống.
Đây không phải lần đầu Uber dọa rời Quebec, cũng không phải lần đầu chính quyền bang đặt thêm yêu cầu với hãng này. Trước đó, chính quyền công bố rằng tài xế Uber phải được cảnh sát kiểm tra và cấp lý lịch tư pháp, phải có bằng lái hạng 4C như tài xế taxi truyền thống; họ phải qua đào tạo kỹ càng cũng như phải đảm bảo các quy định sức khỏe, bảo hiểm; xe sử dụng phải được kiểm định theo chu kỳ 12 tháng. Uber không được áp dụng giá cước cao gấp nhiều lần giá thông thường vào các thời điểm khẩn cấp như bão, lụt lội, mưa gió lớn. Chính quyền Quebec cũng chỉ cấp số lượng có hạn giấy phép lái xe Uber. Mỗi giấy phép phải trả một khoản phí cho bang theo mỗi một chặng đi. Đó là những đòi hỏi khắt khe hơn rất nhiều quốc gia khác mà hãng này đang hoạt động.
"Bye-bye, tôi không bận tâm đâu, đừng đe dọa tôi" - thị trưởng Montreal, Denis Coderre, trả lời hãng công nghệ của Mỹ.
Con trai tôi sống ở Montreal. Cậu nhắn về, nói tiếc nuối vì Uber đang dọa rời Quebec. Người dân có nguy cơ mất đi dịch vụ đi lại rẻ, tiện lợi đã hiện hữu gần 4 năm. Nhưng ngạc nhiên là bên cạnh sự tiếc nuối đó, khi tôi tới Canada và “điều tra bỏ túi” với người dân và theo dõi câu chuyện trên báo chí, các ý kiến đều ủng hộ chính quyền. Chị Lưu Lan, một Việt kiều sống ở Montreal hơn 20 năm tâm sự, mỗi khi cần taxi chị vẫn gọi xe truyền thống thay vì Uber vì nghĩ rất tội các bác taxi truyền thống. Họ đã tốn bao nhiêu tiền mua xe, đóng phí, cam kết điều kiện ngặt nghèo để chạy taxi. Nay, một sinh viên chỉ cần có xe hơi đã có thể cướp việc của bác.
Chị Lan và nhiều người tin rằng, các đòi hỏi của bang đều nhằm đảm bảo lợi ích và an toàn cho công dân khi sử dụng dịch vụ đi lại, chứ không vì bất kỳ lợi ích của bất kỳ doanh nghiệp vận tải nào của địa phương.
Cuối cùng, sau tất cả các sự kiện trên, chính quyền sở tại vẫn kiên định. Người dân vẫn sử dụng dịch vụ của cả taxi công nghệ và truyền thống. Uber vẫn ở lại Quebec và chấp nhận cuộc chơi. Và điều đáng nói nhất, chính sách thuế đối với Uber tại Quebec đã áp hoàn toàn giống taxi truyền thống, không phải chưa đồng nhất như ở Việt Nam.
Tôi là khách hàng đã lâu của taxi công nghệ và tôi cũng không bị thuyết phục bởi lý lẽ về “sự khó khăn” của đại diện một số hãng taxi truyền thống Việt Nam. Nhưng tôi hiểu không phải vô cớ mà taxi truyền thống bức xúc. Để có thể hành nghề, họ phải chịu các loại thuế, phí, điều kiện với tài xế, chi phí hạ tầng, bến bãi, hàng chục quy định về điều kiện kinh doanh vận tải, bị hạn chế đi lại trên một số tuyến đường, không được tự do điều chỉnh giá cước.
Cuộc chơi ở Việt Nam chưa có sự can thiệp Nhà nước mang tính hiệu quả như Quebec. Tôi tự hỏi, liệu có phải vì khoảng trống đó mà những cuộc đình công của tài xế đang diễn ra, trong khi doanh nghiệp taxi truyền thống vẫn “kêu cứu”? Chúng ta không có lý gì phải duy trì lối nghĩ: dùng taxi công nghệ vì lợi ích của kinh tế chia sẻ, hoặc dùng taxi truyền thống vì “sự thông cảm”. Nhà quản lý hoàn toàn có thể vừa đưa ra một luật chơi công bằng.
Chắc chắn, để đối phó với những ông lớn nước ngoài, taxi truyền thống cần phải nhanh chóng bỏ đi “cái tôi”, đổi mới công nghệ, thái độ dịch vụ, thiện chí với đối thủ cạnh tranh vì tầm nhìn lợi ích khác. Tuy nhiên, vai trò điều tiết khách quan, minh bạch và liêm chính của cơ quan quản lý nhà nước là không thể thiếu trong một số tình huống của thị trường.
Bởi bên cạnh “bàn tay vô hình” của thị trường thì bàn tay hữu hình - bàn tay điều tiết của Nhà nước khi đưa ra kịp thời, liều lượng phù hợp sẽ giúp cho tất cả các bên: nhà nước, ngành giao thông vận tải và du lịch, doanh nghiệp, người tiêu dùng. Không ai xứng đáng rơi vào một cuộc chiến mà ở đó không có người thắng cuộc.
Đinh Hồng Kỳ