Bùi Thanh Hải (18 tuổi, thí sinh khoa Lịch sử Đảng, Học viện Báo chí và tuyên truyền) được sinh ra trong một gia đình nghèo của xã Thạch Quảng, huyện Thạch Thành, Thanh Hóa. Bố em làm thợ xây, công việc bất ổn, mẹ qua đời cách đây nửa năm vì ung thư não. Căn nhà cấp 4 lợp ngói proximăng gia đình Hải ở cũng được xây từ tiền đi vay mượn. Dưới nam sinh này còn một em trai năm nay vào lớp 9.
"Khi vợ còn sống, tôi có thể đi làm xa kiếm tiền. Từ ngày cô ấy mất, con nhỏ không người chăm lo nên tôi chỉ quanh quẩn làm thuê gần nhà. Công việc khan hiếm, mùa khô mới có nơi gọi đi xây với tiền công 100.000-120.000 đồng/ngày", anh Bùi Văn Vĩnh (46 tuổi), bố của Hải chia sẻ.

Trên xe khách xuống Hà Nội thi vào Học viện Báo chí tuyên truyền, Bùi Thanh Hải (18 tuổi, Thạch Thành, Thanh Hóa) bị móc túi mất 2 triệu đồng. Đây là toàn bộ số tiền em kiếm được sau gần một tháng làm thuê ở mỏ than tại Quảng Ninh. Ảnh: Quỳnh Trang.
Kể về những ngày con trai miệt mài học bài trước mỗi kỳ thi, người cha trầm giọng. Biết con thích đến trường và nhớ di nguyện của vợ nhưng kinh tế quá khó, sức khoẻ lại yếu, anh Vĩnh cắn răng động viên con thôi học, ở nhà đi làm. Ông bà và họ hàng cũng khuyên Hải kiếm việc để lo kinh tế cho gia đình.
Hải chẳng phản ứng gì trước dự tính của gia đình. Thi tốt nghiệp xong, em xin bố cho ra Quảng Ninh làm thuê ở mỏ than. "Tôi từng làm thuê ở mỏ than nên cũng biết nó vất vả, khổ nhọc lắm. Ngày con về nhà, thấy hắn đen thui, khuôn mặt cũng gầy đi, tôi thương nhiều. Trước ngày hắn ra Hà Nội thi đại học, nhà chỉ còn 200.000 đồng, tôi đưa cho hắn luôn. Chẳng biết rồi hắn thi cử thế nào, nếu đỗ đạt sợ nhà cũng không nuôi được", người bố nói.
Tại mỏ than ở Quảng Ninh, Hải gồng mình sàng đất lấy than. Dưới cái nắng cháy rát, ngột ngạt ở nơi mà cỏ cây, không khí đều nhuốm màu đen, nam sinh làm việc mỗi ngày 9-10 tiếng với tiền công 100.000 đồng/ngày.
Không có thời gian ôn bài, hành trang em mang theo tới trường thi là những gì còn nhớ được trong quá trình học cấp 3.
"Khi còn sống, mẹ luôn động viên em học hành. Nhà khó khăn nhưng trên lớp cần đóng khoản tiền nào, mẹ cũng cố gắng chạy vạy cho em. Mẹ muốn em đỗ vào Học viện An ninh cho tiết kiệm kinh tế. Vòng sơ loại em không đạt, giờ em chọn thi khoa Lịch sử Đảng, Học viện báo chí tuyên truyền. Lịch sử là môn học em yêu thích", đôi mắt trĩu buồn nhìn xa xa, Hải tâm sự.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT, Bùi Văn Hải được 7 điểm môn Lịch sử và Địa lý; 6,5 điểm Ngữ văn. Tuy chỉ là học sinh Trung bình trong lớp 12B5 THPT Thạch Thành 4 (Thanh Hoá) nhưng Hải được cô giáo và các bạn nhận xét là chăm ngoan, học nhỉnh hơn "cánh mày râu" ở chi hội.
Tại căn phòng cũ kỹ của ký túc xá nhà E6, Học viện Báo chí tuyên truyền, Hải (18 tuổi) cúi mặt ngại ngùng: "Trong người em giờ chỉ có 30.000 đồng". Thí sinh này cho biết, ngày 7/7, khi một mình đi xe khách từ Thạch Thành, Thanh Hoá ra Hà Nội, em bị móc túi mất 2 triệu đồng cùng giấy báo dự thi. Đây là toàn bộ tiền em kiếm được sau thời gian phơi mặt, còng lưng bốc than ở Quảng Ninh.
Sợ bố lo lắng và không biết phải trình báo với ai, Hải bắt xe buýt sang đại học Nông nghiệp tìm bạn thân "cứu trợ". Tại đây, em vay được 50.000 đồng. Giấy báo dự thi được nhà trường cấp lại. Các tình nguyện viên cũng giúp đỡ đưa Hải về ký túc xá Học viện Báo chí tuyên truyền cho ăn, ở miễn phí.
Nói về tương lai xa nếu đỗ đại học, Hải bảo, sẽ làm thêm tự kiếm tiền chi trả cho cuộc sống. Trước mắt, sau khi thi xong nam sinh này sẽ ở lại Hà Nội chạy việc lấy tiền làm "lộ phí" về quê.
Quỳnh Trang