Egroup vừa xác nhận thương vụ đầu tư thêm 55 tỷ đồng vào Soya Garden vào cuối tháng 4/2019, nâng tổng mức đầu tư vào chuỗi kinh doanh thức uống từ đậu nành này lên 100 tỷ đồng. Trước đó, công ty đã đầu tư gói 20 tỷ đồng vào năm 2018 và rót thêm 25 tỷ đồng hồi đầu năm 2019.
Soya Garden được thành lập vào cuối tháng 4/2016 và được kết nối với Egroup thông qua một chương trình gọi vốn cho startup. Nhà sáng lập kiêm CEO Hoàng Anh Tuấn cho biết, khi gặp nhà đầu tư thì chuỗi chỉ mới có 2 cửa hàng. Đến nay, startup đã có hơn 30 cửa hàng và hơn 500.000 lượt khách trung thành mỗi tháng.
"Nếu tính riêng trên mức đầu tư của từng điểm, các cửa hàng của chúng tôi đều mang lại lợi nhuận chỉ sau ít tháng hoạt động. Tuy nhiên, Soya Garden và Egroup vẫn xác định giai đoạn này là giai đoạn đầu tư và mở rộng. Do đó, chúng tôi chưa đặt nặng vấn đề lợi nhuận mà tập trung hoàn thiện và kiểm soát tốt mô hình kinh doanh", Tuấn nói.
Cách đây 3 năm, ý tưởng kinh doanh đậu nành đến với Hoàng Anh Tuấn sau một chuyến du lịch. Nhà sáng lập này vốn không được đào tạo hay từng trải qua kinh nghiệm đáng kể trong ngành F&B, trước khi kinh doanh đậu nành. Khi còn là sinh viên Đại học Bách Khoa Hà Nội, Tuấn làm qua nhiều công việc khác nhau như quay phim, nhiếp ảnh, lập trình, đồ họa, dựng phim...
Sau khi tốt nghiệp Công nghệ thông tin, Tuấn đầu quân vào bộ phận sáng tạo một công ty truyền hình. Được một năm, anh vào Sài Gòn để làm cho một tập đoàn truyền thông của Nhật Bản với mức lương nghìn USD.
Chàng trai 8X rời công ty này sau hai năm, lúc đang được cất nhắc lên vị trí cao hơn. Nghỉ việc, Tuấn đi du lịch vòng quanh Đông Nam Á một tháng và ấn tượng về thức uống đậu nành phát triển tại Singapore đã mang đến cho anh ý tưởng kinh doanh lĩnh vực này. Những ngày đầu, ông chủ Hoàng Anh Tuấn cùng chị gái tự mày mò chế biến hầu hết sản phẩm với nguyên liệu đậu nành cũng nhập từ Singapore.
"Trên thị trường đã rất chật chội với nhiều thương hiệu F&B khác nhau, nhưng việc xây dựng một lối sống lành mạnh hơn cho khách hàng thông qua việc ăn uống vẫn còn chưa được quan tâm nhiều. Trong khi đó, với sự gần gũi và quen thuộc cùng những giá trị dinh dưỡng mang lại, rõ ràng chúng tôi đang đứng trước cơ hội lớn để tạo nên một trào lưu mới với hạt đậu nành", Tuấn nhận định.
Trải qua bước phát triển khá nhanh, với 3 lần nhận vốn, Tuấn thừa nhận vẫn còn nhiều thách thức và cạnh tranh trong việc tìm kiếm mặt bằng, nhân sự, cũng như quy trình vận hành chưa hoàn toàn hoàn thiện dẫn đến rủi ro khủng hoảng cao. Tuy nhiên, công ty đặt mục tiêu đạt mốc 100 cửa hàng trong năm 2019. Nối tiếp theo đó là kế hoạch cho 300 cửa hàng vào năm 2021 đồng thời đặt chân đến Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản.
"Về dài hạn, chúng tôi muốn trong vòng 3 năm tới có thể đưa các sản phẩm từ đậu nành lên ngang tầm với cà phê và trà, để việc 'đi soya' sẽ phổ biến như 'đi cafe' hay 'đi trà sữa'", Anh Tuấn chia sẻ.
Không chỉ tập trung vào đồ uống, món tráng miệng, CEO trẻ nói rằng công ty đang nghiên cứu và thử nghiệm đồ ăn nhanh tiêu chí hữu cơ và lành mạnh. Xa hơn, ngoài F&B, công ty muốn nhảy vào ngành hàng tiêu dùng nhanh với các sản phẩm có nguồn gốc từ đậu nành.
Viễn Thông