Các nhà khoa học phát hiện ngôi sao 6 tỷ năm tuổi HIP68468, nằm cách Trái Đất 300 năm ánh sáng, đã nuốt trọn một số hành tinh trong hệ của nó, UPI hôm 15/12 đưa tin. HIP68468 có kích thước, khối lượng và độ sáng tương tự Mặt Trời nên được gọi là "bản sao Mặt Trời".
HIP68468 chứa lượng liti (lithium) gấp 4 lần mức bình thường ở các ngôi sao cùng độ tuổi. Điều này chứng tỏ nó đã nuốt chửng một số hành tinh trong quá khứ. Ngôi sao cũng mang nhiều kim loại hơn so với các hành tinh đá khác.
Việc nghiên cứu mối liên hệ giữa bản sao Mặt Trời và các hành tinh của nó là cách lý tưởng để tìm hiểu về tương lai hệ Mặt Trời của chúng ta. Các nhà khoa học dự đoán rằng trong tương lai, sao Thủy sẽ bị Mặt Trời nuốt gọn khi ngôi sao này trở nên già cỗi và phình to hơn.
"Điều này không nhất thiết đồng nghĩa với việc Mặt Trời sẽ 'ăn' Trái Đất. Tuy nhiên, phát hiện của chúng tôi cung cấp dấu hiệu cho thấy đây có thể là quá trình phổ biến trong các hệ hành tinh, bao gồm hệ Mặt Trời", Jacob Bean, tới từ trường Đại học Chicago, Mỹ, cho biết.
Xem thêm: Vũ trụ có thể đang bắt đầu lụi tàn
Hiền Anh