Êkíp Táo quân 2017 bắt đầu tập luyện từ đầu tháng 1. Năm nay, chương trình có sự tham gia của diễn viên trẻ Trung Ruồi. Nam diễn viên chia sẻ với VnExpress những câu chuyện hậu trường.
- Cơ duyên nào giúp anh có mặt trong Táo quân 2017?
- Tôi tham gia chương trình Gala cười 2017. Trong một buổi duyệt, đạo diễn Đỗ Thanh Hải đang chỉ đạo nội dung thì nhìn tôi và bật ra câu đùa: "Thằng này, sao mày đội tóc trông xấu thế, mà đài từ thì giống hệt Công Lý. Thôi, chương trình Táo quân năm nay anh cho chú tham gia một vai diễn để thử khả năng thế nào, xem có được như Công Lý không".
Sau khi ghi hình Gala cười được một tuần, tôi nhận được điện thoại từ đơn vị sản xuất. Họ gọi lên để tập chương trình. Không chỉ tôi, nhiều diễn viên trẻ cũng được gọi đến để diễn thử vai. Có thể thấy, êkíp sản xuất Táo quân không chỉ là sân chơi cho các nghệ sĩ tên tuổi mà còn rất tạo điều kiện để những gương mặt trẻ như chúng tôi thể hiện bản thân.
- Anh đóng vai gì trong chương trình hài Tết lần này?
- Tôi được đóng một vai nhỏ. Tôi cũng như các đồng nghiệp tham gia đều không được tiết lộ. Nói chung, với những diễn viên mới như chúng tôi, được khiêng kiệu cho các Táo cũng là niềm vinh dự lớn rồi.
Năm nay, kịch bản cho Táo quân vẫn rất dày. Lúc mới cầm tập kịch bản, dù không đếm trang, tôi áng chừng nó phải dày hơn 1,5 cm. Học thuộc thoại vẫn chưa phải là thách thức lớn nhất bởi kịch bản chương trình liên tục được các diễn viên cũng như êkíp sản xuất thay đổi trong lúc tập. Nhiều khi chỉ sau một tối, nội dung câu chuyện đã được các đàn anh, đàn chị chuyển theo hướng khác hẳn. Kịch bản hoàn thiện cho chương trình chắc phải tới phút cuối mới biết rõ.
- Anh và các nghệ sĩ tập luyện ra sao?
- Giờ tập cho các diễn viên thường không cố định, tùy thuộc vào lúc rảnh của từng người cũng như êkíp. Có hôm, mọi người phải tập theo hai ca, một từ lúc 16h, một từ lúc 22h30. Ai có công việc phải giải quyết giữa hai khung giờ đó thì ra ngoài, còn không thì ở lại chờ đợi đến ca tiếp. Thông thường, mọi người sẽ kết thúc tập luyện vào sáng sớm hôm sau.
Tất cả đều ăn ngủ tại chỗ. Êkíp kịp chuẩn bị cho đồ ăn, thức uống gì thì dùng nấy, hôm thì cơm hộp, ngày thì mì gói, đồ ăn nhanh... Có tối, mọi người chỉ ăn bánh với uống trà. Cũng may, ở địa điểm tập chương trình, êkíp có chuẩn bị giường xếp cho diễn viên nghỉ ngơi. Dường như các anh, chị đều đã quen với việc đó. Mọi người cứ tập xong vai của mình là lại luân phiên ra đặt lưng ngủ luôn. Nhiều người "máu chiến" đến nỗi không cần đi ngủ mà cố nán lại xem phần của các diễn viên khác.
- Anh ngưỡng mộ diễn viên nào nhất trong Táo quân?
- Tôi dành sự ngưỡng mộ của mình đồng đều cho anh, chị. Dù công việc vất vả, họ vẫn không ngần ngại xắn tay để hướng dẫn diễn viên trẻ. Ví dụ, Tự Long giúp tôi sáng tạo thêm tình tiết để thể hiện bản thân, Quang Thắng hay giúp thêm thắt lời thoại để phần biểu diễn trơn tru hơn. Xuân Bắc lại thường "dập lửa" mỗi khi các anh chị nổi giận mắng tôi vì diễn không tốt. Trước giờ diễn, Xuân Bắc cũng là người giúp tôi và bạn bè "lên dây cót" tinh thần.
Nếu phải chọn ra người nhỉnh hơn chút xíu, tôi nghĩ đó là Tự Long và Công Lý. Tôi yêu mến Tự Long vì là đàn anh trong cả sân khấu hài và chèo. Trong khi đó, tôi lại ngưỡng mộ Công Lý vì khả năng diễn xuất. Những vai giả nữ của tôi hầu hết học hỏi từ anh Lý.
Cũng có nhiều người gán mác "bản sao Công Lý" cho tôi. Tuy vậy, tôi nghĩ chẳng thành vấn đề. Đạo diễn Trọng Trinh còn từng nhận xét tôi thoại giống Công Lý, múa giống Tự Long, cười giống Quốc Khánh... Có người còn bảo vẻ ngoài của tôi giống Thái Hòa. Với một diễn viên trẻ như tôi, việc giống các tên tuổi đi trước là niềm vinh dự, tự hào nhiều hơn là áp lực.
- Anh bị áp lực ra sao khi tham gia Táo quân 2017?
- Đây là chương trình được khán giả Việt ở trong và ngoài nước yêu mến, đặc biệt là tầng lớp trí thức. Do kinh nghiệm sống, diễn xuất... chưa dày dặn, những diễn viên trẻ như chúng tôi thường sợ mình không đủ khả năng tạo ra tình huống hài hước phù hợp để đáp ứng nhu cầu giải trí của người hâm mộ. Thực ra, nếu có được ưu ái chọn đóng một vai Táo quân, tôi và chúng bạn cũng chưa chắc dám nhận. Bởi những gương mặt đi trước đã gắn bó quá lâu với vai diễn của họ, khán giả khó chấp nhận một sự thay thế phần nào mang tính rủi ro.
Ngoài ra, việc tập luyện cho chương trình cũng đòi hỏi sự tập trung cao độ. Đạo diễn Đỗ Thanh Hải là người nổi tiếng khó tính. Có lần tôi đang nói chuyện với Quang Thắng thì thấy anh lấy tay ra hiệu ngưng. Anh Thắng bảo: "Thôi đừng nói nữa, chú ý tập trung theo dõi mọi người tập đi. Anh phải nhẩm lại lời thoại, đã hay quên so với mọi người thì chớ, tí nữa lên sân khấu sơ sảy lại bị anh Hải mắng thì chết".
Trung Ruồi tên thật là Nguyễn Hà Trung, sinh ngày 4/4/1993 tại Hà Nội. Anh đang là sinh viên năm ba ngành diễn viên chèo, khoa Kịch hát dân tộc, Đại học Sân khấu điện ảnh Hà Nội. Trung Ruồi được biết đến nhờ series hài Kem xôi với nhiều vai diễn như tên trộm ngốc nghếch, anh công nhân chân chất hay cụ ông đa tình. Ngoài ra, anh cộng tác với các đoàn chèo, sân khấu và thường xuyên biểu diễn để phục vụ người dân các tỉnh. Nam diễn viên sở hữu gương mặt được nhiều người đánh giá "xấu lạ". |