Thứ hai, 16/5/2022, 10:30 (GMT+7)

Dịp 30/4 và 1/5 vừa qua, lễ hội Kỳ Hoa 2022 lần đầu tiên được tổ chức tại dự án Mailand Hoàng Đồng, TP Lạng Sơn. Trong 5 ngày diễn ra, sự kiện với nhiều hoạt động văn hóa đa dạng đã thu hút đông đảo du khách và người dân địa phương tham quan, trải nghiệm. Lễ hội Kỳ Hoa được lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn xem xét tổ chức thường niên để kích cầu ngành du lịch tỉnh vào dịp 30/4 và 1/5.

Ông Dương Xuân Huyên – Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lạng Sơn đã có những chia sẻ cụ thể về kế hoạch thúc đẩy ngành du lịch Lạng Sơn sau sự kiện "mở màn" thành công của lễ hội Kỳ Hoa 2022.

- Trong năm đầu tổ chức, lễ hội Kỳ Hoa 2022 đã đạt được thành công như thế nào thưa ông?

Trong 5 ngày diễn ra, lễ hội đã đạt được nhiều thành công, thu hút hơn 100.000 lượt du khách và người dân địa phương, trong đó hơn 10% dân số của tỉnh nhà có mặt tại lễ hội. Chúng ta phải thấy rằng trong hội có cái gì đó đáng xem bà con mới tới dự đông như vậy! Họ tới đây để tận hưởng những giá trị văn hóa, ẩm thực, giao lưu tình cảm và chia sẻ cơ hội hợp tác, giao thương cùng với nhau.

Câu chuyện Kỳ Hoa trong lễ hội được kể lại thông qua hành trình trải nghiệm "Ngũ sắc Kỳ Hoa" - đại diện cho 5 đặc trưng của văn hóa bản địa và sự hoa lệ của mảnh đất xứ Lạng bao gồm Sắc Bản Địa, Sắc Tương Lai, Sắc Gắn Kết, Sắc Thanh Âm và Sắc Tự Nhiên.

Thành công của lễ hội đó là tái hiện những nét đẹp văn hóa của đồng bào các dân tộc xứ Lạng, thông qua hoạt động giới thiệu những món ẩm thực đặc sắc, các nghề thủ công truyền thống và hoạt động trưng bày triển lãm các sản phẩm OCOP, quà tặng đặc sản nổi tiếng của địa phương.

Cùng với đó du khách được trải nghiệm các hoạt động biểu diễn nghệ thuật truyền thống bởi gần 30 nghệ nhân như trích đoạn nghi lễ Lẩu Then, trích đoạn sân khấu hóa lễ hội Kỳ Cùng - Tả Phủ, biểu diễn múa sư tử mèo, trình diễn hát giao lưu then, sli, lượn, múa chầu, lày cỏ, tung còn, đánh yến... Sự kiện cũng hội tụ nhiều nghệ sĩ tên tuổi như Sèn Hoàng Mỹ Lam, Hồng Nhung, Kyo York với hơn 100 văn nghệ sĩ, diễn viên, đạo diễn và biên đạo.

Lễ hội cũng bố trí không gian lớn cho 52 gian hàng triển lãm, trưng bày sản vật, ẩm thực, quà tặng địa phương cùng 35 lều trại. Trong khuôn viên rộng rãi, hơn 50 hoạt động vui chơi, giải trí đặc sắc được tổ chức thu hút nhiều du khách và người dân như sân khấu đêm khai mạc, màn bắn pháo hoa khai hội, khinh khí cầu, trò chơi dân gian...

- Bên cạnh việc phát triển lễ hội Kỳ Hoa, Lạng Sơn còn sở hữu những lợi thế nào để thu hút du khách trong và ngoài nước?

Lạng Sơn là điểm đến du lịch, khám phá nổi bật của khu vực Đông Bắc với khung cảnh núi non trùng điệp và văn hóa bản địa đa dạng, đặc trưng. Chúng tôi cũng có truyền thống du lịch lễ hội, đặc biệt mỗi dịp tết đến xuân về. Du khách có thể cùng người dân địa phương đi hội nghe hát sli, hát lượn, chợ tình Pắc Khuông...

Lợi thế từ vị trí giáp cửa khẩu còn thúc đẩy làn sóng du khách đi du lịch lễ hội, đền chùa kết hợp mua sắm tại Lạng Sơn. Những khu chợ như Tân Thanh, Đông Kinh, chợ đêm Kỳ Lừa... là điểm đến thu hút nhiều đoàn du khách đến mua sắm, khám phá văn hóa tại thành phố cửa khẩu. Mỗi năm Lạng Sơn ghi nhận cả triệu du khách đến địa phương.

Trong tương lai, ngành du lịch Lạng Sơn sẽ bứt phá hơn với nhiều điểm đến đang được triển khai như khu du lịch quốc gia Mẫu Sơn dự kiến xây dựng cáp treo lên tới đỉnh với nhiều trải nghiệm độc đáo. Tỉnh cũng đang thành lập công viên địa chất rộng lớn trải dài trên các huyện Hữu Lũng, Chi Lăng, Bắc Sơn, Văn Quan và Bình Gia.

Tại lễ hội Kỳ Hoa 2022, dự án Mailand Hoàng Đồng đã được công bố và khởi động trở lại, được định vị là "Thành phố Kỳ Hoa". Tôi đánh giá trong một tương lai gần, đây sẽ là một điểm đến lý tưởng dành cho việc giao thương, du lịch, nghỉ dưỡng trên tuyến đường kết nối Việt Nam và quốc tế.

- Hạ tầng kết nối tới Lạng Sơn trong những năm qua đã có những thay đổi như thế nào để thúc đẩy những lợi thế về du lịch, thưa ông?

Hiện nay, kết nối giao thông của Lạng Sơn trong khu vực Đông Bắc rất thuận lợi nhờ tuyến cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn. Trong tương lai, tuyến cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng hoàn thành và đi vào hoạt động sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh trong đó có du lịch. Ngoài ra, tỉnh Lạng Sơn đã đề xuất đầu tư dự án nâng cấp quốc lộ 4B kết nối với tỉnh Quảng Ninh và TP Hải Phòng. Đây là dự án quan trọng không chỉ phục vụ vận chuyển hàng hóa, xuất nhập khẩu trong khu vực mà còn kết nối du lịch từ Lạng Sơn tới sân bay quốc tế Vân Đồn, Hạ Long, cửa khẩu Móng Cái...

Du khách sẽ có những trải nghiệm mới lạ khi chọn tắm biển ở Hạ Long - Quảng Ninh và trải nghiệm núi Mẫu Sơn ở Lạng Sơn bởi khoảng cách giữa hai địa danh du lịch này chỉ mất 2 giờ di chuyển, đường đi lại rất đẹp và nên thơ.

- Lạng Sơn hiện thu hút nhiều nhà đầu tư đến phát triển các dự án, thúc đẩy ngành du lịch phát triển. Ông đánh giá thế nào về tiềm năng thu hút nhà đầu tư của Lạng Sơn trong tương lai?

Lạng Sơn sở hữu nhiều lợi thế về cảnh sắc và con người để thúc đẩy ngành du lịch phát triển hơn nữa. Trước đó chúng tôi cũng đã lựa chọn những nhà đầu tư uy tín, có tiềm lực mạnh, quan điểm du lịch hiện đại và văn minh để hợp tác. Thông qua đó, cả UBND tỉnh và nhà đầu tư cùng chia sẻ, cởi mở để hướng đến đích chung là phát triển bền vững lâu dài.

Tôi tin tưởng Lạng Sơn sẽ là một điểm đến tin cậy của các nhà đầu tư, đem đến những sản phẩm du lịch mới đáp ứng được mọi nhu cầu nghỉ dưỡng, thăm quan, giải trí của du khách trong nước và quốc tế.

Nội dung: Ngọc Diễm - Ảnh: Phạm Hiệp, Hữu Thuận - Thiết kế: Duck Tran