Chiều 21/12, đoàn thanh tra liên ngành gồm Sở Văn hóa Hà Nội, Cục di sản (Bộ Văn hóa), các chuyên gia… đã kiểm tra mức độ vi phạm của công trình Hương nghiêm pháp đường xây dựng tại khu di tích - danh thắng Hương Sơn (huyện Mỹ Đức).
Giải trình trước đoàn thanh tra, trụ trì nhà chùa, Ban quản lý khu di tích và lãnh đạo huyện Mỹ Đức cho biết, công trình cao 2 tầng, 1 gác mái, rộng hơn 400m2 gồm nhà ăn, nhà nghỉ, nhà vệ sinh được xây dựng để phục di tích. Khu vực này trước là hai dãy nhà nghỉ, nhà trọ cấp 4 của Công ty du lịch thắng cảnh Hà Tây, xây dựng những năm 1970. Năm 2000, nhà chùa được tiếp nhận sử dụng nhưng công trình xuống cấp nghiêm trọng, chưa có kinh phí tu bổ.
Năm 2011, nhà chùa làm tờ trình lên UBND huyện Mỹ Đức đề xuất xây dựng công trình mới. Muốn sớm đưa công trình vào sử dụng, nhà chùa vừa thi công, vừa xin phép cơ quan chức năng. Công trình do Đại học Kiến trúc Hà Nội thiết kế, được xây dựng trong vòng gần 2 năm.
Các ông Nguyễn Văn Hậu (Phó chủ tịch huyện Mỹ Đức), Nguyễn Chí Thanh (Trưởng ban quản lý khu di tích) đều thừa nhận, công trình Hương nghiêm pháp đường chưa được cấp phép và người quản lý đã làm "chưa đến nơi đến chốn". Tuy nhiên, các ông này cùng sư trụ trì đều cho rằng, vị trí xây dựng không động chạm đến di tích gốc, là công trình phụ trợ chứ không phải hạng mục đã xếp hạng nên xin phép được giữ lại, tiếp tục hoàn thiện hồ sơ.
Ý kiến của địa phương bị nhiều thành viên đoàn thanh tra liên ngành phản bác. Theo Phó trưởng phòng Quản lý di sản (Cục di sản) Đỗ Văn Khang, điều 36 Luật Di sản và điều 15, Nghị định 98 đều quy định, khi xây dựng các công trình nằm ngoài các công trình bảo vệ nhưng có ảnh hưởng đến di tích vẫn phải xin phép Bộ Văn hóa. "Công trình Hương nghiêm pháp đường đặt trong cảnh quan chung, có ảnh hưởng rõ ràng đến di tích quốc gia chùa Hương tích và khu vực Hương Sơn", ông Khang nhấn mạnh.
Đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, đến nay vẫn chưa nhận được văn bản xin phép từ phía nhà chùa và huyện Mỹ Đức.
Việc nhà chùa và địa phương coi Hương nghiêm pháp đường là “công trình phụ trợ” cũng bị các chuyên gia văn hóa phản đối. Theo GS. Phạm Mai Hùng - Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, Phó chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, tên gọi và công năng của công trình này có sự chênh nhau. "Hương nghiêm pháp đường chưa rõ là gì theo Phật giáo, nhưng chức năng đã rõ. Nếu gọi là pháp đường thì phải tôn nghiêm nhưng công năng lại là nhà ăn, nhà nghỉ, nhà vệ sinh. Như vậy là có sự mâu thuẫn", ông Hùng nói. Chuyên gia phân tích thêm, công trình này xây dựng gần khu lăng mộ, xét về tâm linh là không ổn.
PGS. Đặng Văn Bài - Phó chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam xót xa khi thấy tòa nhà mới được xây cao, rất chướng. Ông cho biết, nếu còn là Cục trưởng Di sản sẽ ủng hộ việc xây công trình để phục vụ nhà chùa, nhưng phải có sự hài hòa giữa cái cũ và mới. "Chúng ta phải ứng xử với ngôi chùa này xứng tầm với danh Nam thiên đệ nhất động và hướng đến đây sẽ là di tích quốc gia đặc biệt", PGS nói. Chùa Hương tích và khu vực Hương Sơn dù trước nay được đánh giá là có giá trị rất đặc biệt, vẫn "trượt" danh hiệu di tích quốc gia đặc biệt, được các chuyên gia văn hóa lý giải vì còn những sai phạm.
Khép lại buổi kiểm tra, Phó giám đốc Sở Văn hóa Trương Minh Tiến đề nghị huyện Mỹ Đức gửi bộ hồ sơ xin phép xây dựng của nhà chùa về Ban quản lý di tích danh thắng Hà Nội trước ngày 25/12 để xem xét, đánh giá mức độ sai phạm. Hướng giải quyết cho công trình đã hoàn thiện này sẽ được Sở và các nhà khoa học nghiên cứu sâu hơn, tính toán kĩ lưỡng để không làm ảnh hưởng đến di tích mà vẫn đáp ứng được nhu cầu của phật tử.
Trước đó trao đổi với VnExpress ngày 15/11, ông Trương Minh Tiến khẳng định, công trình Hương nghiêm pháp đường được xây dựng trong vùng lõi di sản Thiên Trù - là khu vực 1 thuộc phạm vi bảo tồn nguyên trạng, không được phá vỡ cảnh quan. Theo Luật Di sản, việc xây dựng trong di tích cấp quốc gia cần được sự đồng ý của Bộ trưởng Văn hóa.
Được khởi công năm 2011 và đưa vào sử dụng từ năm 2013, Hương nghiêm pháp đường khá đồ sộ, cao 3 tầng, rộng hơn 400 m2, bên trong có nhà ăn lát sàn gỗ, phòng khách, nhà hội họp, kho... Toàn bộ cầu thang và lan can đều được lát bằng đá. Tòa nhà có nhiều hình thù kiến trúc lạ. Dọc đường lên xuống xuất hiện bức phù điêu hình đầu rồng, gắn vòi voi, mũi sư tử không có trong nghệ thuật tạo hình của Việt Nam. Nhiều du khách đến tham quan bất ngờ khi nhìn thấy công trình lạc lõng, có kiến trúc lạ mọc lên giữa những ngôi chùa cổ kính của quần thể danh thắng Hương Sơn. |
Minh Hiếu