Sổ tiết kiệm có 300 triệu đồng nên khi người bạn có nhu cầu vay để kinh doanh thì Hiền đã đi rút tiền trong sổ tiết kiệm và đưa cho người đó. Đây là quan hệ cho vay tiền.
Tuỳ vào tính chất giao dịch, hành vi trong sự việc, Hiền có thể tố cáo hoặc kiện.
Cụ thể: Hiền có quyền tố cáo khi có căn cứ chứng minh rằng người bạn đó không sử dụng tiền vay vào đúng mục đích vay, có hành vi gian dối và không trả tiền mà muốn chiếm đoạt. Đây là những dấu hiệu của các tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Lúc này, 300 triệu đồng là số tiền thiệt hại bị chiếm đoạt sẽ được nghi phạm nộp khắc phục lại cho bạn.
Hiền có thể khởi kiện ra toà án để đòi lại tiền nếu đây đơn thuần là giao dịch cho vay, không có dấu hiệu hình sự.
Về tố cáo, theo Luật Tố cáo năm 2018, đây là việc cá nhân báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; nhằm phát giác, ngăn chặn, hạn chế kịp thời mọi hành vi vi phạm pháp luật đồng thời bảo vệ lợi ích nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức.
Theo Điều 9, người tố cáo có các quyền:
- Được bảo đảm bí mật họ tên, địa chỉ, bút tích và thông tin cá nhân khác;
- Được thông báo về việc thụ lý hoặc không thụ lý tố cáo, chuyển tố cáo đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết, gia hạn giải quyết tố cáo, đình chỉ, tạm đình chỉ việc giải quyết tố cáo, tiếp tục giải quyết tố cáo, kết luận nội dung tố cáo;
- Tố cáo tiếp khi có căn cứ cho rằng việc giải quyết tố cáo của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền không đúng pháp luật hoặc quá thời hạn quy định mà tố cáo chưa được giải quyết;
- Rút tố cáo;
- Đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền áp dụng các biện pháp bảo vệ người tố cáo;
- Được khen thưởng, bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
Về nghĩa vụ
- Cung cấp thông tin cá nhân quy định
- Trình bày trung thực về nội dung tố cáo; cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo mà mình có được;
- Chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung tố cáo;
- Hợp tác với người giải quyết tố cáo khi có yêu cầu;
- Bồi thường thiệt hại do hành vi cố ý tố cáo sai sự thật của mình gây ra.
Người tố cáo không được uỷ quyền cho người khác mà phải tự mình tố cáo hành vi vi phạm pháp luật đến bất kỳ cơ quan quản lý nhà nước nào; không được rút tố cáo và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung tố cáo của mình. Chỉ được tố cáo tiếp khi có căn cứ cho rằng việc giải quyết tố cáo của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền không đúng pháp luật hoặc quá thời hạn quy định mà tố cáo không được giải quyết.
Khởi kiện dân sự, theo Điều 186 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án tại tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Ngoài ra, theo Điều 69 Bộ luật này, chủ thể khởi kiện phải có đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự.
- Năng lực hành vi tố tụng dân sự là khả năng tự mình thực hiện quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự hoặc ủy quyền cho người đại diện tham gia tố tụng dân sự.
- Chủ thể khởi kiện là người từ đủ 18 tuổi trở lên có đầy đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự, trừ người mất năng lực hành vi dân sự hoặc pháp luật có quy định khác.
- Chủ thể dưới 18 tuổi hoặc không có đầy đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự phải có người đại diện theo pháp luật hoặc theo quyết định của Tòa án khi tham gia tố tụng.
Ngoài ra khi khởi kiện, cần thỏa mãn các điều kiện khác như: Vụ án được khởi kiện phải thuộc thẩm quyền xét xử giải quyết của tòa án; Vẫn còn thời hiệu khởi kiện; Vụ án vẫn chưa được giải quyết bằng một bản án hay quyết định có hiệu lực pháp luật của tòa án hoặc quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Gia đình bạn có thể cân nhắc các quy định về tố cáo và khởi kiện trên đây để cân nhắc và đưa ra hướng hành động phù hợp.
Luật sư Nguyễn Đại Hải
Công ty Luật TNHH Fanci