Cách đây 3 năm, Chiến là một tiếp viên trưởng, có thu nhập cao của Hãng hàng không Pacific Airlines (PA). Công việc và thu nhập lúc đó của Chiến là niềm mơ ước của nhiều người. Thế nhưng, giấc mơ điều khiển máy bay cứ thôi thúc chàng trai này. Ngày thường, Chiến mua hẳn một bộ lái ảo để mỗi khi nghỉ bay lại… tập lái. Nhiều người định dập tắt niềm hy vọng của Chiến bằng những câu đại loại “Lái máy bay chứ có phải lái ôtô đâu”.
Ngày đầu tiên chính thức thành phi công của Pacific Airlines của Chiến. Ảnh: Tiền Phong. |
Trong khi đó, một số học viên phi công của Vietnam Airlines đã được tuyển kỹ càng và học cơ bản trong nước, đài thọ 100% học phí ra nước ngoài học còn bị thải loại, bị trả về nước. Còn hãng PA phải thuê phi công nước ngoài. “Chả lẽ người Việt mình lại kém Tây”, không ít lần, Chiến tự vấn.
Hãng PA mới đầu hay tin có một tiếp viên thể hiện nguyện vọng đi học phi công cũng hoài nghi. Đến khi gặp trực tiếp Chiến, lãnh đạo PA mới thấy ý chí và quyết tâm của chàng thanh niên vốn ít nói. Tuy nhiên, một vấn đề không giải quyết được là ngân sách đào tạo. Đại diện lãnh đạo PA cho Chiến một hướng mở: “Nếu thi đỗ, học đạt yêu cầu tiêu chuẩn quốc tế về lái cho hãng sẽ được hoàn học phí”.
Gia đình Chiến gốc Bắc, bố là bộ đội. Sau ngày giải phóng miền Nam, cả nhà Chiến chuyển hẳn vào TP HCM. Điều Chiến trăn trở nhất là người bố không được chứng kiến ngày con trai chính thức thành phi công trước khi ông mất. Chàng cơ phó này sinh năm 1973, mải lái máy bay nên vẫn là “lính phòng không”. Hành trình học để lái được máy bay thương mại đã “ngốn” của Chiến hết khoảng 100.000 USD (bao gồm cả chi phí ăn, ở), mỗi lần học cập nhật phải tốn thêm khoảng 3.000 USD. Hiện, phi công nước ngoài được PA thuê 6.000 USD/tháng, gấp 3 lần lương của Chiến. Tuy nhiên, 3 năm đầu PA sẽ hoàn lại cho Chiến 70% học phí, 30% còn lại sẽ trả từng tháng trong 2 năm sau. |
Gia đình hiểu ước mơ bay của cậu con trai nên ủng hộ bằng cách bán căn nhà đang ở với giá 100 cây vàng, cộng thêm số tiền tiết kiệm để Chiến khăn gói sang xứ người. Cả nhà Chiến chuyển về một căn hộ tập thể để ở.
Với số tiền này, nếu đi học ở Australia hoặc Pháp (những nơi, VNA thường gửi học viên sang đào tạo) thì không đủ vì học phí rất đắt. Sang Mỹ học thì thời điểm năm 2004 xin thị thực không dễ vì dư âm vụ khủng bố 11/9. Tuy nhiên, các phi công nước ngoài lái thuê cho PA vẫn khuyên Chiến nên chọn một học viện hàng không của Mỹ có tên Panam International Fly Academy (thuộc bang Florida).
Suýt chết giữa hoang mạc nước Mỹ
Chỉ khi đạt sức khoẻ cấp 1 (cấp yêu cầu cao nhất ở Mỹ), Chiến mới được chấp nhận vào học. Những ngày đầu vào lớp, đa số học viên là người của các hãng hàng không cử đi và họ rất ngạc nhiên khi có một người Việt Nam tự lặn lội sang tận Mỹ học phi công.
Bài học nhập môn đầu tiên của Chiến là cầm lái máy bay 4 chỗ (loại Piper Archer 3) và được giám sát chặt chẽ. Ngoài học lý thuyết, mỗi ngày Chiến phải bay 2 giờ bằng loại máy bay cá nhân. Vượt được chứng chỉ này, Chiến được chuyển lên học lái bay thiết bị, sau đó là bay thương mại (loại máy bay 2 động cơ có thể chở khách).
Đây là chương trình khó, nếu lấy chứng chỉ này thì Chiến mới được hành nghề phi công. Học viên phải học bay với tình huống một động cơ bị hỏng. Một lần, suýt nữa Chiến và thày giáo bỏ mạng giữa sa mạc hoang vu nếu anh không quyết định kịp thời. Đó là buổi tập bay đường dài qua 2 bang. Chiều về bỗng nghe tiếng động cơ bất thường, Chiến đề nghị thày giáo cho hạ cánh.
Lúc đó, máy bay đang ở giữa sa mạc thuộc tiểu bang Arizona. Thày trò lo lắng vì xem bản đồ bay chỉ phát hiện một đường băng nhỏ. Chiến quyết định hạ cánh xuống một sân bay vắng vẻ. Cả sân bay chỉ có một ông già và một lữ quán xơ xác. Ngày hôm sau, nhà trường cử cán bộ kỹ thuật tới kiểm tra và thông báo nếu Chiến bay tiếp thì thảm họa sẽ khôn lường.
Lúc đó, PA chỉ có máy bay thuê “ướt”của nước ngoài (thuê máy bay bao gồm cả người lái và thợ kỹ thuật) nên Chiến thất nghiệp. Không nản chí, Chiến lại sang Mỹ học các kiến thức cập nhật.
Lần trở lại Việt Nam đầu năm 2007, PA đã có máy bay Boeing 737 thuê “khô” (thuê máy bay không bao gồm người lái và thợ kỹ thuật). Tuy nhiên, để được chấp nhận vào làm cơ phó, Chiến phải trải qua các khâu kiểm tra ngặt nghèo như sang Singapore lái thử, kiểm tra lại sức khỏe tại Cục Hàng không Dân dụng VN, bay 10 chuyến dưới sự giám sát của phi công hãng PA, thi lý thuyết bay...
Ngày 10/6, hành khách được nghe giọng nói của phi công người Việt duy nhất “Cơ phó Nguyễn Hồng Chiến cám ơn quý khách đã sử dụng dịch vụ của Pacific Airlines”.
Từ tháng 8, Chiến được phép bay với tất cả cơ trưởng nước ngoài mỗi ngày 4 chuyến nội địa. Từ sự “mở màn” thành công của Chiến, hiện có nhiều tiếp viên của PA cũng muốn trở thành phi công và đang làm thủ tục xin đi học.
(Theo Tiền Phong)