Thứ năm, 25/4/2024
Thứ bảy, 7/8/2021, 14:54 (GMT+7)

Bạn lệ thuộc quá nhiều vào nửa kia không?

Lệ thuộc vào sở thích, quyết định của bạn đời, tuyệt giao với mọi mối quan hệ khác ngoài gia đình hay ghen tỵ khi chồng/vợ có niềm vui mới... đều cho thấy bạn không làm chủ được hạnh phúc.

Bắt chước bạn đời dù không thích.

Bạn liên tục bắt chước người yêu không phải vì có chung sở thích mà sợ nếu không như vậy, mối quan hệ của hai người sẽ gặp vấn đề.

Trong cuộc sống, lúc nào bạn cũng lo lắng quá nhiều làm thế nào để giữ hòa khí trong gia đình. Kết quả là bạn không được sống với con người thật, cảm xúc thật của mình. Về lâu dài, sự đè nén sẽ nảy sinh tâm lý tiêu cực, phá vỡ hạnh phúc ảo bạn dày công tạo nên.

Bạn luôn cần bạn đời động viên

Bạn thường do dự về những quyết định của mình, thường xuyên cần đối tác động viên rằng bạn là người tốt và tử tế.

Nếu bạn chỉ phấn chấn và có động lực khi được bạn đời khuyến khích, an ủi, thì hạnh phúc của bạn đang do người đó quyết định.

Ghen tị khi bạn đời tìm được niềm vui mới

Bạn thấy tình yêu với bạn đời là điều duy nhất trên thế giới này có thể khiến mình hạnh phúc. Bạn cảm thấy bị đe dọa khi chồng/vợ tận hưởng cuộc sống ở đâu đó, khác bạn. Bạn ghen tị với sở thích của anh/cô ấy hoặc buồn bực khi họ dành thời gian cho bạn bè hoặc cha mẹ.

Quyết định đưa ra phụ thuộc bạn đời

Bạn không bao giờ muốn tự mình đưa ra bất kỳ quyết định nào bởi vì sợ trách nhiệm đi kèm. Bạn cũng thường làm theo những gì bạn đời yêu cầu vì không muốn làm tổn thương họ.

Ngay cả khi nhu cầu hoàn toàn ngược lại, bạn vẫn muốn làm theo đề nghị của vợ/chồng.

Tính cách và ngoại hình thay đổi theo nhu cầu của bạn đời

Bạn đã từng sống hết mình, thích tiệc tùng nhưng giờ như chú chim nhỏ nhút nhát, thậm chí tuyệt giao với bên ngoài.

Chồng thấy mái tóc ngắn hấp dẫn nên bạn cắt theo, dù anh ấy chẳng đòi hỏi. Nên biết rằng nếu người ta yêu bạn không phải vì chính bạn, thì tình yêu đó thực sự đang có vấn đề.

Mù quáng từ bỏ nhu cầu của mình vì bạn đời

Trong một mối quan hệ lành mạnh, luôn có cho và nhận. Điều này làm cho hai người yêu nhau cảm thấy họ là người một nhà.

Nhưng nếu bạn chuyển sang hy sinh bản thân, cho nhiều hơn những gì bạn thực sự nhận được; nếu bạn thường quên đi những mong muốn và nhu cầu của bản thân, chỉ đáp ứng những mong đợi của bạn đời để làm hài lòng họ, một ngày nào đó bạn sẽ "phát điên" vì thất vọng.

Mọi hành động đều xoay quanh tình yêu

Bạn không còn mối quan hệ nào khác ngoài bạn đời: hy sinh bạn bè và gia đình, ngay cả khi chồng/vợ không yêu cầu. Bạn không làm bất cứ điều gì khác vì tâm trí của bạn quá bận rộn với việc làm cho tình yêu trở nên hoàn hảo.

Bạn bị ám ảnh bởi suy nghĩ cần phải là một cặp vợ chồng bền chặt. Điều này thực sự có thể gây ra các vấn đề trong mối quan hệ, dẫn đến thất vọng.

Bỏ qua những dấu hiệu báo động

Vợ/chồng thờ ơ và thường xuyên tranh cãi, nhưng bạn vẫn cố níu kéo. Dù thâm tâm bạn biết chia tay là tốt hơn, bạn vẫn không muốn làm vậy. Bạn thấy mất mát, thiếu hụt khi không có người đó bên cạnh.

Nhịn thay vì tranh cãi

Bạn không muốn người mình yêu thấy bạn đang buồn nên chôn chặt cảm xúc trong lòng, tỏ ra vui vẻ. Bạn không muốn trở thành lý do gây ra rắc rối.

Thậm chí, bạn sợ những hành động tiêu cực sẽ khiến bạn đời rời xa mình. Trong lúc tranh cãi, bạn không bao giờ đổ lỗi cho họ dù người đó sai.

Không thể kiểm soát cảm xúc khi bạn đời vắng nhà

Bạn chỉ có thể cảm thấy thăng hoa và vui vẻ khi có bạn đời bên cạnh. Nếu họ vắng nhà, bạn thấy tâm trạng thất thường, tức giận, lo lắng và không thể kiểm soát được cảm xúc.

Bạn không ngừng suy nghĩ họ đang làm gì và liệu có còn yêu mình không. Điều đó làm suy yếu sự hòa hợp và hạnh phúc của chính bạn.


Nhật Minh (Theo Brightside)