Chuỗi cà phê %Arabica vừa thông báo sẽ mở cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam. Đây là một trong những chuỗi cà phê nổi tiếng tại cố đô Kyoto (Nhật Bản) với hơn 100 cửa hàng trên 18 quốc gia sau 7 năm thành lập. Thương hiệu này cho biết đã tìm kiếm địa điểm từ năm 2019, đến nay chuỗi chọn mặt bằng tại tòa nhà The Cafe Apartment trên phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1, TP HCM).
%Arabica là cái tên nối dài danh sách nhiều nhà bán lẻ Nhật Bản mở rộng kinh doanh tại Việt Nam ngay khi TP HCM và nhiều tỉnh thành nới lỏng giãn cách.
Trước đó, vào cuối tháng 10, chuỗi bán lẻ thường phục nổi tiếng Uniqlo tiếp tục ra mắt cửa hàng mới tại một trung tâm thương mại ở quận Hà Đông (Hà Nội). Liên tiếp vào đầu tháng 11, Uniqlo cho khai trương cửa hàng online tại Việt Nam với hơn 15.000 sản phẩm. Chỉ sau hai năm có mặt, chuỗi này đã có 10 cửa hàng và là đối tác thu mua của 45 nhà máy may mặc tại Việt Nam.
Cũng trong giai đoạn cuối năm, thương hiệu làm đẹp ReFa lần lượt ra mắt 3 cửa hàng chính hãng tại TP HCM. Với thị trường Hà Nội, thương hiệu này sẽ có mặt vào giữa năm sau.
Ngoài ra, đơn vị bất động sản bán lẻ Tập đoàn Aeon cũng đưa ra nhiều kế hoạch tại Việt Nam. Doanh nghiệp này đã đầu tư 1,18 tỷ USD và đang muốn tăng gấp đôi số lượng trung tâm thương mại tại nhiều tỉnh, thành trong thời gian tới. Với chiến lược kinh doanh lâu dài, tập đoàn này dự kiến niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam và thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa Việt Nam như thủy sản, hàng may mặc... sang Nhật Bản.
Các thương hiệu Nhật mở rộng kinh doanh tại Việt Nam ngay sau bối cảnh ngành bán lẻ hàng hóa và dịch vụ chịu tác động mạnh từ Covid-19 trong quý III, đặc biệt tại TP HCM. Theo Cục Thống kê thành phố, doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trong quý vào khoảng 4 tỷ USD. Mức này giảm 64% so với quý liền trước và giảm 71% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh vừa và nhỏ đã phải rời thị trường.
Tuy vậy, thị trường Việt Nam vẫn rất tiềm năng trong mắt doanh nghiệp xứ sở Mặt trời mọc. Đó cũng là lời khẳng định của ông Motoya Okada - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Aeon trong buổi gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính mới đây. Các doanh nghiệp tiếp xúc với Thủ tướng đều đánh giá môi trường, đầu tư kinh doanh của Việt Nam ngày càng được cải thiện.
Thực tế cho thấy, ngành bán lẻ Việt Nam đang trong quá trình phục hồi. Số liệu mới đây của Bộ Công Thương chỉ rõ, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trong tháng 10 tăng 18,5% so với tháng trước. Trong đó, bán lẻ hàng hóa vẫn là ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất, chiếm gần 83%.
Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cũng cho biết gần đây có quan sát xu hướng doanh thu của các công ty quốc tế trong ba ngành thời trang và phụ kiện, mỹ phẩm, dịch vụ nhà hàng và quầy uống. Từ đó, VCSC tin rằng ngành bán lẻ sẽ phục hồi mạnh mẽ bởi tiến độ tiêm vaccine ngày càng bứt tốc và Chính phủ bắt đầu mở cửa trở lại tất cả hoạt động kinh tế. Kỳ vọng này một phần được thúc đẩy bởi xu hướng "mua sắm trả thủ" - tâm lý chi tiêu bù đắp cho thời gian bí bách vì giãn cách xã hội.
Cùng góc nhìn lạc quan, Chứng khoán VNDirect dự báo nhóm ngành bán lẻ sẽ hưởng lợi lớn khi sức mua cuối năm tăng cao. Sau khi kết thúc giãn cách, nhu cầu tiêu dùng bị dồn nén nhiều tháng qua sẽ bùng nổ. Bên cạnh đó, thời điểm cuối năm nhiều dịp lễ diễn ra cũng là yếu tố thúc đẩy mua sắm và chi tiêu. Đơn vị này kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận của ngành bán lẻ năm nay có thể trên 20%.
Tất Đạt