Người gửi: Nguyễn Thành Trung
Tôi vừa đọc xong Dự thảo Chiến lược phát triển giáo dục nước ta từ nay đến năm 2020. Cảm giác đầu tiên là thiếu cơ sở.
Thứ nhất, lấy căn cứ gì để có được con số "100% số tỉnh, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục 9 năm đúng độ tuổi và 80% thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ học vấn THPT và tương đương?". Con số này phải căn cứ vào thực tế, ngay tại Hà Nội mới chưa chắc tất cả các quận, huyện đã thực hiện được điều này, đặc biệt khi nền kinh tế mở cửa, sự phân hóa giàu nghèo ngày càng rõ.
Nhiều vùng ăn chưa đủ, đừng nghĩ đến học. Hết lớp 5, biết đọc, biết viết, biết cộng trừ đã là rất tốt rồi. Cứ cho là 12 năm tới, kinh tế đi lên, nhưng cũng chưa thể giải quyết được vấn đề trên. Đặc biệt là các vùng sâu, vùng xa.
Thứ hai, về mục tiêu chất lượng đào tạo. Đây là vấn đề được nhắc đến rất nhiều và giải pháp cho nó cũng đã có nhiều. Điều này liên quan tới 2 vấn đề đó là chương trình và con người. Chương trình đổi mới liên tục, nhưng hiệu quả lại rất thấp. Có nhiều sự xáo trộn khiến nó trở nên không phù hợp.
Ví dụ, mới đây là phản ánh về giáo dục giới tính ở lớp 5, hay thực tế tôi được biết rất nhiều giáo viên văn than phiền về chương trình Văn, lớp 7 đã học văn nghị luận khi mà trình độ nhận thức cũng như kỹ năng của các em chưa đủ.
Quan trọng hơn và quyết định nhất là yếu tố con người. Bộ GD&ĐT cho rằng thay đổi "chương trình giáo dục phổ thông mới theo hướng tích hợp ở những lớp dưới, phân hóa mạnh ở những lớp trên" sẽ giúp nâng cao chất lượng giáo dục nhưng Bộ chưa thực sự quan tâm tới người sẽ biến nội dung và mục tiêu đó thành hiện thực.
Có bao nhiêu phần trăm giáo viên hiện đứng lớp có khả năng thực hiện điều này? Sức ì của giáo viên ở ta quá lớn. Thi xong công chức là coi như xong, một giáo án dạy hết đời. Thanh tra kiểm tra chỉ mang tính hình thức, chỉ khiến giáo viên đối phó và cũng không thể liên tục được, cái quan trọng là ở trong tư duy.
Thứ ba, về mục tiêu giáo dục đại học. Cái này cũng được nói đến rất nhiều lần. Nếu vẫn duy trì chương trình đào tạo cứng nhắc, cách học theo kiểu "truyền đạo" như hiện nay thì không thể thay đổi được chất lượng ở bậc đại học. Chưa kể các trường ngày nay đều chạy theo thành tích. Kiểm tra đánh giá được thả lỏng hơn rất nhiều so với trước kia. Kết cục là sinh viên không những kém thực hành, thiếu thực tế mà hiện nay còn kém cả lý thuyết.
Thứ tư là về quản lý thì rất yếu. Lực lượng quản lý của ngành giáo dục chủ yếu phát triển từ những người có chuyên môn tốt. Nhưng thực tế thì chuyên môn và quản lý không giống nhau. Cộng với việc quản lý chủ yếu là dựa vào kinh nghiệm mà chưa có sự đào tạo bài bản nên yếu là tất nhiên.
Nhân nói về quản lý tôi nói luôn về vấn đề thực hiện 100% hợp đồng. Tôi đang tự hỏi hợp đồng này thời hạn là như thế nào. Vô thời hạn thì sẽ chẳng khác gì biên chế. Còn nếu có thời hạn thì là bao lâu? Và căn cứ gì để tiếp tục hợp đồng hay không? Khi lực lượng quản lý yếu kém thì có đưa ra được đánh giá và quyết định đúng khi ký hợp đồng không? Hay lại chạy chọt, dựa vào ô, dù? Hiện nay, việc thi tuyển công chức có rất nhiều tiêu cực và điều này nhiều người biết.
Thứ năm là đời sống giáo viên - một yếu tố rất quan trọng - vì họ là lực lượng lao động đặc biệt. Không trực tiếp tạo ra GDP nhưng giáo viên lại quyết định nhiều đến sự tồn vong của cả dân tộc. Nhưng đời sống của họ thì thật khó tưởng tượng.
Cùng tốt nghiệp đại học, một sinh viên ngành kinh tế hay kỹ thuật có quyền đòi hỏi mức lương tháng từ 2,5 triệu đồng trở lên và họ chỉ phải làm việc 8 tiếng một ngày. Nhưng một cử nhân sư phạm, sau rất nhiều khó khăn để có chỗ làm, chỉ được mức lương rất thấp, dưới 1,5 triệu đồng một tháng, trong khi công việc vẫn tiếp tục khi về nhà (soạn bài, chấm bài...). Còn nếu để có mức thu nhập trên 2,5 triệu đồng một tháng, họ phải làm việc nhiều hơn như dạy thêm, gia sư...
Có một thực tế là hiện nay ở cấp tiểu học và THCS, rất ít giáo viên là nam giới (vì với trọng trách gánh vác gia đình thì thu nhập của họ không đáp ứng được nhu cầu chi tiêu gia đình). Điều này còn khó khăn hơn rất nhiều đối với các giáo viên dạy những môn bị coi là phụ như công nghệ, thể dục, nhạc, họa...
Trên đây, tôi chỉ nói về 5 vấn đề mà tôi cho rằng rất căn bản, còn nhiều điều mà tôi không hiểu Bộ GD&ĐT sẽ thực hiện bằng cách nào trong vòng 12 năm tới. Hy vọng sẽ có nhiều thay đổi, để nước ta có một lực lượng lao động có cả đức và tài.