Thẩm tra dự luật, Thường vụ Quốc hội đưa ra tới 3 phương án. Thứ nhất, cơ quan thi hành án dân sự được tổ chức ở cấp tỉnh và huyện. Ở trung ương, sẽ có Tổng cục thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp để quản lý tập trung, thống nhất lĩnh vực thi hành án dân sự. Mô hình này tương tự cơ quan thuế.
Thứ hai, Bộ Tư pháp chỉ quản lý nhà nước về thi hành án dân sự trên phạm vi cả nước. Các địa phương sẽ trực tiếp quản lý cơ quan thi hành án dân sự, tổ chức và chỉ đạo việc thi hành án. Thứ ba, áp dụng mô hình như trước năm 1993, tòa án vừa xét xử, vừa tổ chức thi hành án dân sự.
Hầu hết đại biểu đồng tình với với việc cần thiết thay đổi mô hình cơ quan thi hành án dân sự. Bởi mô hình hiện nay (Bộ Tư pháp ủy quyền cho Sở Tư pháp và UBND các địa phương thực hiện) có quá nhiều bất cập. Đây cũng là lý do khiến lượng án tồn đọng mỗi năm lên tới 50% (trên 300.000 bản án). Tuy nhiên, lựa chọn mô hình nào thì lại có quá nhiều ý kiến khác nhau.
Đại biểu Vũ Hồng Anh đồng tình với phương án một vì thi hành án mang tính quyền lực nhà nước, liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp và quyền tự do dân chủ của công dân. "Đây là bước quan trọng tiếp theo để kết thúc một quá trình tố tụng, lập lại trật tự, công bằng xã hội. Với đặc thù như vậy, không thể phân cấp để tạo ra sự phân tán trong tổ chức thi hành án dân sự", ông Hồng Anh lập luận.
Đại biểu Vũ Hồng Anh thống nhất với việc thành lập Tổng cục thi hành án thuộc Bộ Tư pháp. Ảnh: TTXVN. |
Là người làm công tác tư pháp, đại biểu Nguyễn Thị Lan phản đối phương án ba vì trong nền kinh tế thị trường, lượng án quá nhiều, tòa không thể kham nổi. "Nên tổ chức hệ thống ngành dọc theo phương án một là hợp lý nhất", bà Lan đề nghị. Đại biểu Hoàng Văn Em cũng đồng tình với phương án một, vì "địa phương có quá nhiều việc, lại không có chuyên môn sâu, nếu đảm nhiệm công tác thi hành án dân sự như phương án hai thì rất dễ để án tồn đọng".
Không đồng tình với cả 3 phương án trên, đại biểu Hồ Quốc Dũng đề nghị cần xác định rõ địa vị pháp lý của cơ quan thi hành án dân sự, là tư pháp, hành pháp hay lưỡng tính. "Gần 15 năm qua chúng ta cứ loay hoay mãi về vấn đề này. Hậu quả là cơ quan thi hành án bị đặt ra ngoài cả hệ thống tư pháp và hành chính. UBND các cấp cho rằng đó là công việc của Bộ Tư pháp nên không mặn mà. Bộ lại ở quá xa, không thể nào điều hành hết toàn bộ 64 tỉnh thành".
Từ thực tiễn trên, ông Dũng đề nghị nếu xác định thi hành án dân sự thuộc lĩnh vực hành pháp thì nên giao cho chính quyền địa phương trực tiếp quản lý và chỉ đạo thi hành án. Còn Bộ Tư pháp chỉ làm công tác quản lý nhà nước. Nếu xác định thi hành án là hoạt động tư pháp, là khâu cuối cùng của quá trình tố tụng thì nên giao cho tòa án.
Dè dặt với việc xã hội hóa thi hành án dân sự
Đại biểu Phạm Văn Hà thẳng thắn đề nghị chưa nên xã hội hóa công tác thi hành án vì hiện chưa tổ chức thí điểm. "Hơn nữa, ta cần rút kinh nghiệm từ những công ty đòi nợ thuê hoạt động theo kiểu xã hội đen, gây mất trật tự xã hội, ảnh hưởng đến sức khỏe và tài sản của công dân. Nếu cơ quan thi hành án thiếu người thì cần tăng biên chế, công việc khó khăn thì cần tăng phụ cấp", ông Hà đề nghị.
Cũng lấy bài học từ các công ty đòi nợ thuê hoạt động theo kiểu giang hồ, đại biểu Trần Thị Hoa Ry cho rằng nên áp dụng theo đề xuất của Ủy ban Tư pháp. Trước mắt, Quốc hội chưa nên quy định xã hội hóa thi hành án dân sự trong luật, mà có một nghị quyết riêng cho phép tổ chức thí điểm, sau đó sẽ tổng kết, đánh giá để có những bước đi hợp lý.
Đại biểu Trần Văn Tấn lại ủng hộ việc xã hội hóa thi hành án dân sự nhằm giảm gánh nặng cho nhà nước. "Tuy nhiên, xã hội hóa cái gì, tổ chức thực hiện thế nào và đặc biệt là tính hợp pháp của xã hội hóa dưới góc độ thể chế bằng pháp luật ra sao thì phải cân nhắc thận trọng", ông Tấn nói.
Ngoài vấn đề nêu trên, Quốc hội còn tranh luận về tiêu chuẩn của chấp hành viên. Đại biểu Trần Thị Hồng cho rằng cần quy định chấp hành viên phải có trình độ cử nhân luật trở lên. "Cán bộ thi hành án không chỉ am tường về pháp luật mà phải hiểu biết sâu rộng về xã hội, nắm rõ hoàn cảnh tâm lý của đương sự để lựa chọn những phương án thích hợp thi hành án có hiệu quả", bà Hồng lý giải.
Tuy thừa nhận ngay như TP HCM tuyển chấp hành viên trình độ cử nhân luật rất khó, bởi chẳng ai muốn vào cái nghề gây mất lòng nhiều người này, nhưng đại biểu Ngô Minh Hồng vẫn cho rằng không thể hạ chuẩn chấp hành viên xuống còn trung cấp luật. "Vùng núi, hải đảo thiếu cán bộ thì luật nên có ngoại lệ, cho phép tuyển chấp hành viên trình độ trung cấp, sau đó bồi dưỡng thêm", bà Hồng nói.
Ngày mai, Quốc hội tiếp tục thảo luận về dự luật thi hành án dân dự và dự luật quốc tịch sửa đổi.
Hồng Khánh