Theo kế hoạch của Sở Giáo dục và Đào tạo, học sinh ở TP HCM sẽ tiếp tục ở nhà, duy trì học trực tuyến trong hơn 2,5 tháng nữa. Thông tin này khiến không ít phụ huynh như chị Ngọc Quỳnh lo lắng, sốt ruột.
"Học online hoài, bé nhà tôi sắp nghiện máy tính, hư mắt rồi. Đầu tháng sau, hai vợ chồng lại phải đi làm, không biết làm sao nếu con vẫn ở nhà", chị Phạm Thị Ngọc Quỳnh nói.
Quê miền Trung, vợ chồng chị Quỳnh - hiện sống ở TP Thủ Đức - vào TP HCM lập nghiệp hơn 10 năm nay, hiện có con trai học lớp 4. Sau một tháng dán mắt vào máy tính để học trực tuyến, con trai chị tỏ ra ngán ngẩm. Mỗi lần mẹ bắt vào học, bé vùng vằng, than mệt, nằng nặc đòi đi học để được gặp bạn.
Khi việc học online của con trở nên khó khăn cũng là lúc công ty của hai vợ chồng chị chuẩn bị hoạt động trở lại. Là nhân sự ở bộ phận hành chính, chị buộc phải lên công sở trong khi chồng phải công tác thường xuyên. Không có ông bà nội, ngoại ở bên, vợ chồng chị mong trường mở cửa trở lại hơn lúc nào hết.
Theo chị, việc mở cửa trường sớm là phù hợp bởi dịch cơ bản được kiểm soát. Việc đòi hỏi sự an toàn tuyệt đối trong lúc này là không thể. Thay vì lo lắng, ngành giáo dục nên khởi động việc học tập trung, siết chặt các biện pháp an toàn. "Dĩ nhiên sẽ có cha mẹ không muốn cho con đi học vì họ có điều kiện trông con hoặc chưa thấy yên tâm. Để dung hòa lợi ích, trường có thể mở cửa dần cho phụ huynh có nhu cầu, kết hợp dạy trực tuyến cho các em ở nhà", chị Quỳnh bày tỏ.
Đề xuất như vậy nhưng chị Quỳnh nhận định, ngành giáo dục sẽ chưa thể thực hiện việc học tập trung trong tháng này. Và kể cả trong trường hợp trường được mở cửa trước kế hoạch, thì khối lớp 1, lớp 2 hoặc lớp cuối cấp trung học có thể sẽ được ưu tiên đến lớp trước. Con chị đang học lớp 4. Do đó, vợ chồng chị đã tính đến phương án thuê gia sư trông, dạy con để yên tâm đi làm.
Có hai con học lớp 1 và lớp 8 ở TP Thủ Đức, anh Phan Hữu Đông cũng trông ngóng trường mở cửa. Khi năm học mới bắt đầu, hai vợ chồng anh đã bàn trước các kịch bản, phân công cụ thể nhiệm vụ từng người ở từng giai đoạn. Thậm chí, họ đã tính tới tình huống xấu nhất có thể phải học online đến hết năm.
Đến nay, anh Đông nhận định bối cảnh dịch bệnh đang trùng với kịch bản thứ hai mà ngành giáo dục đưa ra từ đầu năm. Tức là, dịch bệnh được khống chế và kiểm soát, các trường dần được bàn giao. "Nếu học online đến học kỳ I tức là kéo dài qua giữa tháng 1/2022. Thời điểm này cũng gần tới lịch nghỉ Tết cho học sinh, do đó ngày đi trở lại kéo dài đến đầu tháng 2. Từ nay đến đó là quãng thời gian quá dài, quá sức chịu đựng của học sinh", anh Đông nói.
Phụ huynh này đưa ra giải pháp rằng trường nên hoạt động lại kiểu "cuốn chiếu". Tức là, trường nào được bàn giao mặt bằng, sửa chữa, phục hồi nguyên trạng thì bố trí học trực tiếp. Học sinh chỉ học một buổi trong ngày, thời gian còn lại kết hợp học trực tuyến. "Việc này trước tiên giải toả được tâm lý, tạo cảm giác thích thú học tập cho các cháu. Phụ huynh cũng có thời gian để sắp xếp cho công việc khi nền kinh tế hoạt động trở lại", anh nói.
Ở khối trung học, nhiều phụ huynh lớp 12 càng tỏ ra sốt ruột bởi việc học online kéo dài sẽ ảnh hưởng kỳ thi tốt nghiệp THPT. Tính đến nay, lứa học trò sinh năm 2004 trải qua ba năm THPT liên tiếp chịu ảnh hưởng bởi Covid-19, nặng nề nhất là năm nay. "Theo tôi, nên mở cửa sớm cho khối lớp 12 được học tập trước. Các cháu ở độ tuổi có thể tiêm vaccnie, lại trưởng thành, có thể biết cách bảo vệ mình nên cũng yên tâm", một phụ huynh quận Bình Thạnh đề xuất.
Với những phụ huynh tán thành thời điểm mở cửa trường của Sở, vấn đề còn lại họ băn khoăn là sự an toàn. Học sinh chưa được tiêm vaccine, trường học chưa được bàn giao, việc học tập trung cần đồng bộ... là những điều nhóm phụ huynh này lưu tâm.
Anh Ngô Đức Thịnh, ngụ quận Tân Phú cho rằng, việc đi học trở lại được thực hiện nếu đủ hai yếu tố: Vaccine ở cộng đồng đủ diện rộng, dịch bệnh được kiểm soát triệt để.
Số ca nhiễm, tử vong những ngày qua giảm nhưng thực tế vẫn ở mức cao, chưa thể nói là an toàn. Bộ tiêu chí an toàn trường học mới dừng ở dự thảo, một nửa cơ sở vật chất, trường học đang được trưng dụng. "Mọi việc đang rất ngổn ngang như vậy thì không thể học trực tiếp lúc này. Thà để con học muộn, nhưng an toàn sức khoẻ là trên hết", anh Thịnh bày tỏ.
Tiêm chủng cho trẻ nhỏ là vấn đề không chỉ phụ huynh mà được các trường học, các nhà giáo dục quan tâm trên hết, với mong muốn đây là tiêu chí bắt buộc để trẻ đi học trở lại. Sáng nay, trong buổi tiếp xúc với đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM tại một hội nghị trực tuyến, lãnh đạo Bệnh viện Nhi đồng 1 và Hùng Vương đã kiến nghị sớm tiêm vaccine cho trẻ em trong bối cảnh TP HCM có kế hoạch mở cửa trường học vào đầu năm 2022. Bộ Y tế trước đó cho biết chưa thể tiêm cho trẻ em do nguồn cung vaccine đang thiếu và phải ưu tiên cho nhóm nguy cơ.
Bằng kinh nghiệm hơn 20 năm quản lý ngành giáo dục, ông Nguyễn Văn Ngai, nguyên phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM cho rằng việc học trực tuyến, nhất là lớp nhỏ nhiều bất cập, thậm chí là gánh nặng nhưng đây là giải pháp tình thế tốt nhất. Tình hình dịch bệnh tại TP HCM vẫn đang diễn biến phức tạp, khó lường, chưa thể mở cửa trường lúc này.
"Chúng ta xác định sống chung với dịch bệnh nhưng không có nghĩa là mạo hiểm. Giáo dục nên có độ lùi, chậm hơn so với các lĩnh vực khác bởi đặc thù học sinh là những người chưa được tiêm vaccine, trường học tập trung đông người, nhiều nguy hiểm", ông Ngai phân tích.
Riêng khối 12, ông Ngai cho rằng, có thể ưu tiên tiêm vaccine và cho các em đi học trước. Điều này giải quyết được bài toán thi tốt nghiệp cho học sinh, đồng thời tạo đà đến trường cho các khối còn lại.
Theo một thăm dò trên VnExpress về thời điểm thích hợp cho con đi học lại, 216 ý kiến trong tổng số 1.585 người tham gia (14%) chọn phương án có thể đi học ngay bây giờ, miễn trường đáp ứng các tiêu chí an toàn. Hơn 800 người (52%) chỉ cho con đi học nếu được tiêm đủ vaccine, hơn 30% chọn phương án đi học sau học kỳ I hoặc khi dịch được kiểm soát hoàn toàn.
Hiện một nửa trong tổng số 2.400 trường học đang được trưng dụng phòng chống Covid-19, dự kiến đến giữa tháng 11 mới được bàn giao hoàn toàn. Từ đó đến hết năm 2022 là khoảng thời gian các địa phương, trường chuẩn bị cơ sở vật chất, nhân sự cho việc dạy học trực tiếp.